Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp cấp tập lên sàn: Xếp hàng chờ niêm yết

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) ghi nhận hàng loạt hồ sơ đăng ký niêm yết, trong đó, nhiều DN có vốn điều lệ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Việc DN cấp tập niêm yết hoặc chuyển sàn những tháng cuối năm một mặt để đáp ứng các quy định về thời gian lên sàn, mặt khác cũng được kỳ vọng sẽ huy động lượng vốn lớn cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

 Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam đăng ký niêm yết lần đầu tại HoSe. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều doanh nghiệp lớn chờ gọi tên
Ngày 19/11, HoSE đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Đây là công ty thứ 12 nằm trong danh sách xem xét niêm yết tại HoSE. Cụ thể, 1.175 tỷ cổ phiếu sẽ niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán MSB, tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng. 9 tháng năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng đột biến, đạt 497 tỷ đồng, cao gấp 23 lần mức đạt được cùng kỳ, đạt 1.064 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 148.342 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 18,6% đạt 57.828 tỷ đồng; huy động tiền gửi khách hàng tăng 21,7% đạt 77.343 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông 2019, sau nhiều chất vấn từ cổ đông, lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã đặt kế hoạch niêm yết trên HoSE trong quý III/2019. Tuy nhiên, đến nay, OCB vẫn “án binh bất động”. Đây cũng là tình trạng của ABBank.
Một DN có quy mô lớn khác là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) cũng sẽ chuyển từ sàn Upcom qua HoSE. Cổ phiếu GVR chính thức giao dịch trên Upcom từ tháng 3/2018, trở thành DN có vốn điều lệ lớn nhất, đạt 40.000 tỷ đồng và vốn hóa thị trường lớn thứ 4, đạt 56.000 đồng (chỉ xếp sau ACV và Viettel Global, VEAM Corp). Kết quả kinh doanh 9 tháng, GVR ghi nhận doanh thu thuần 12.948 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.309 tỷ đồng. Hiện, Nhà nước vẫn nắm giữ 96,77% vốn của DN này. Ngoài 2 DN có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng trên, thị trường niêm yết HoSE sắp tới còn đón nhận nhiều DN tên tuổi khác như Nhựa Hà Nội, Hóa chất Đức Giang…
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với Công ty CP Nhựa Hà Nội (NHH) trên hệ thống Upcom kể từ 5/12. Ngày giao dịch cuối cùng là 4/12. Khối lượng hủy đăng ký giao dịch là toàn bộ 34,44 triệu cổ phiếu để chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu DN này tại HoSE. Mảng kinh doanh chính của Nhựa Hà Nội là sản xuất các sản phẩm nhựa trong công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp sản xuất… cho nhiều đối tác lớn như Piaggio, Panasonic, LGE, VinFast, Toyota… Đây là một đơn vị thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings khi tổ chức này nắm giữ 53,2% vốn. Công ty cũng đã phát triển và phân phối sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn (dao, thìa, dĩa, ống hút) vào các siêu thị như Lotte, Vinmart, AEON… 9 tháng, Nhựa Hà Nội đạt doanh thu thuần 864,5 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt 39,7 tỷ đồng, cao hơn 30%. Cả năm, công ty này dự kiến sẽ đạt 1.030 tỷ đồng doanh thu và 67 tỷ đồng lãi sau thuế.
Tham vọng tìm kiếm vốn và nhà đầu tư
Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ các ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hạn cuối là năm 2020. Mặt khác, trước sức ép của cổ đông, nhiều ngân hàng cũng đã buộc phải có “lời hứa” sẽ niêm yết trong năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, nhiều kế hoạch vẫn ở trạng thái “treo”.
Ngoài việc niêm yết “chạy đua” về đích trước giờ G theo quy định, việc các DN niêm yết hay chuyển sang sàn giao dịch HoSE tới đây cũng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cao hơn cho các cổ đông cũng như những nhà đầu tư mới. Đơn cử, tại Nhựa Hà Nội, dù lợi nhuận có xu hướng giảm nhẹ trong 4 năm vừa qua, nhưng lãnh đạo DN này vẫn khá lạc quan vì lợi nhuận giảm nhưng vẫn cao và ổn định hơn các công ty cùng ngành nghề.
“DN đang lùi một bước để tiến 2 bước cho việc mua bán, sáp nhập (M&A) với An Trung Industries, góp vốn vào Liên doanh VAPA thành lập Công ty Khuôn mẫu Việt Nam để nâng tầm vị thế của Nhựa Hà Nội trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Quá trình này đòi hỏi phải đầu tư máy móc thiết bị, đầu tư vốn, thuê đất đai, mở rộng nhà xưởng, thu hút nhân tài, đào tạo nhân sự, làm tăng chi phí trong giai đoạn này”- đại diện Nhựa Hà Nội cho biết. Việc đưa cổ phiếu NHH lên sàn HoSE cũng được DN này kỳ vọng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt, trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật, giúp mở rộng hoạt động công nghiệp phụ trợ và phát triển năng lực sản phẩm dao, thìa, dĩa tự hủy.