Kinhtedothi - “Quy định pháp luật hiện nay đang theo hình phễu. Luật mở nhưng các nghị định, thông tư đều bóp lại" là nhận xét của ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tại “Hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất” do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.
Nhiều quy định mang tính áp đặt
Thẳng thắn đánh giá về các quy định pháp luật hiện hành, ông Cung cho rằng, có khá nhiều quy định pháp luật ban hành do ý chí chủ quan, do cơ quan Nhà nước áp đặt xuống mà thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Ngoài ra, một trong những điểm yếu lớn nhất của các văn bản pháp luật hiện nay là thiếu tính minh bạch. Hầu hết văn bản chưa đảm bảo tiêu chí này khi còn dẫn đến nhiều cách hiểu, phải chờ các thông tư, văn bản hướng dẫn mới có thể áp dụng được.
Theo Viện trưởng CIEM, quy định pháp luật hiện nay đang theo hình phễu. Luật mở nhưng các nghị định, thông tư đều bóp lại dẫn đến việc tuân thủ mang tính hình thức, luật không có giá trị trên thực tế, không hay như văn bản. Có khá nhiều quy định chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý. “Ví dụ, Luật ATVSTP quy định người kinh doanh thực phẩm phải có hiểu biết về ATVSTP. Để đáp ứng quy định này, người kinh doanh bắt buộc phải tham gia các lớp học bồi dưỡng do bộ chủ quản tổ chức và chỉ chứng chỉ của bộ này cấp mới có giá trị. Lẽ ra các bộ cứ đưa ra một quy chuẩn, rồi những người kinh doanh đi học ở đâu cũng được. Tại sao bộ lại phải kiêm nhiệm cả việc đào tạo đó?” - ông Cung đặt vấn đề.
Dẫn chứng về một số quy định “tồi”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, VCCI dẫn chứng: Thông tư 47/2011/TT-BTNMT yêu cầu nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A – mức tương đương với nước có thể uống được! Ông Tuấn khẳng định: “Yêu cầu như vậy thì cao hơn cả Nhật Bản, hơn cả Hàn Quốc 6 - 7 lần thì làm gì có DN nào đáp ứng được?”. Hay như Nghị định 60/2014/NĐ-CP có rất nhiều quy định làm khó cho DN, như nhập máy móc thiết bị in phải được cấp phép, người đứng đầu DN phải có bằng cao đẳng trở lên về chuyên ngành in, DN không được hợp tác gia công in ấn, cứ 6 tháng và một năm, DN in phải báo cáo tình hình tài chính, cơ sở in phải chuyển ra khỏi khu dân cư...
Tạo tiếng nói sức mạnh của cộng đồng
“Đã đến lúc DN không thể ngồi chờ các bộ, ngành thay đổi thái độ, mà phải chủ động lên tiếng thay đổi chính sách, đòi hỏi những dịch vụ tốt, các quy định tốt” - ông Cung nhấn mạnh. Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện có hơn 50% tổng số các văn bản pháp luật được ban hành có liên quan đến DN và môi trường kinh doanh. Đây là thời điểm mà hơn bao giờ hết các quy định pháp luật ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh, thậm chí sự sinh tồn của DN. Những quy định không tốt, không hợp lý có thể gây lụi bại, thậm chí phá sản DN. Do đó, tới đây, VCCI sẽ tiến hành cuộc bình chọn để chỉ ra 10 quy định tốt nhất và tồi nhất đối với môi trường kinh doanh. Kết quả bình chọn là sự ghi nhận của cộng đồng DN đối với những nỗ lực từ các cơ quan Nhà nước trong việc làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn từ những quy định tốt, đồng thời cảnh báo về những quy định đang cản trở một cách bất hợp lý đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN...
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, bên cạnh các mục tiêu tuyên dương chính sách tốt, cảnh báo chính sách không tốt, mục tiêu của chương trình này còn nhằm thiết lập một kênh giám sát các quy định hiện tại, với sự tham gia tự tin và chủ động hơn của DN. Qua đó, sẽ tạo trở lực để nhà làm chính sách có thể “e ngại” khi đưa ra chính sách không phù hợp. Đây cũng là chương trình góp phần nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, đồng thời liên kết các DN đơn lẻ, để hình thành tiếng nói có sức mạnh hơn của cộng đồng DN. Cuộc bình chọn sẽ kết thúc giai đoạn đề cử vào ngày 22/1/2016, sau đó đưa ra danh sách ngắn hơn vào ngày 18/2. Từ ngày 25/3, sẽ khởi động bình chọn qua nhiều hình thức và kết quả cuối cùng về các chính sách tốt nhất và tồi nhất sẽ được công bố vào cuối tháng 4, trước khi diễn ra Kỳ họp Quốc hội khóa mới.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bá Tú
|