Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp du lịch tiên phong đưa Nghị quyết 08 vào cuộc sống

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ của Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam -VITM Hà Nội 2017, chiều 7/4, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Tọa đàm triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW đối với các DN du lịch.

Những ý kiến sôi nổi tại tọa đàm cho thấy, các DN du lịch đang nỗ lực đưa văn bản này vào cuộc sống.

Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Ngô Đông Hải cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của ngành du lịch, luôn quan tâm và tạo điều kiện để ngành kinh tế xanh phát triển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế hiệu quả. Trong xu thế chung đó, ngành du lịch đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng, đang chứng minh là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lễ vinh danh 10 công ty lữ hành đưa khách ra nước ngoài hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Hồng Hạnh

Ông Ngô Đông Hải khẳng định, trong điều kiện đó, nhằm định hướng để ngành du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển mạnh mẽ và vượt bậc trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Có thể nói đây là một Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam nói chung, DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch nói riêng. Nghị quyết đã khẳng định quan điểm của Đảng ta trong việc định hướng, tạo mọi điều kiện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tại tọa đàm, các đại biểu đến từ các Hiệp hội du lịch cùng cộng đồng các DN du lịch khắp cả nước đều cho rằng, Nghị quyết 08 với 5 quan điểm mới và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra đã đánh giá xứng đáng vai trò của ngành Du lịch, coi đó là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời xác định rõ bản chất của ngành Du lịch, là điều kiện để thống nhất nhận thức chung đối với một chính sách rất rõ ràng cụ thể và có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển Du lịch Việt Nam nói chung, DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nói riêng. Các DN trực tiếp làm du lịch nhận định, Nghị quyết đã chỉ ra 8 yếu kém trong đó có 3 yếu kém trực diện với DN; đưa ra 8 giải pháp trong đó có giải pháp hỗ trợ DN du lịch.

Phát huy vai trò tiên phong

Phát huy vai trò tiên phong, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đưa ra dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08 nhằm sớm đưa văn bản này vào cuộc sống. Trong đó, các nhiệm vụ cụ thể là: Đổi mới nhận thức, tư duy về du lịch; Tham gia xây dựng và triển khai chính sách phát triển du lịch; Cơ cấu lại DN du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch; Nâng cao quảng bá và xúc tiến du lịch. Chương trình hành động cũng nêu rõ giải pháp và tổ chức thực hiện của các DN du lịch, Hiệp hội địa phương; Hiệp hội Du lịch chuyên ngành và Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, các DN cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Nâng cao nhận thức vai trò trụ cột trong ngành kinh tế du lịch, và DN chính là lực lượng chủ yếu quyết định thực hiện thành công của Nghị quyết. Về giải pháp triển khai các nhiệm vụ đề ra, ông Vũ Thế Bình nêu rõ, đối với DN, đó là xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế của DN; tăng cường liên kết phát huy sức mạnh cho DN; tích cực hội nhập quốc tế. Riêng các địa phương, cần phát hiện các hoạt động kinh doanh không lành mạnh, huy động nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Còn với các hiệp hội du lịch chuyên ngành, cần phát hiện bất cập, khó khăn trong hoạt động đề xuất kịp thời biện pháp xử lý; xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các địa phương trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Trách nhiệm lớn của doanh nghiệp

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, nhiều DN cho rằng, Nghị quyết đã giải tỏa được nỗi lo âu bấy lâu nay, thay vào đó là sự tin tưởng, hy vọng vào sự thay đổi, sự phát triển đột phá, vững chắc của ngành Du lịch trong thời gian tới. Nghị quyết cũng cho thấy trách nhiệm lớn lao của DN. Như chia sẻ của ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist cho rằng: “Trách nhiệm của cộng đồng DN trong việc đưa Nghị quyết 08 là phải cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước cho ra đời sản phẩm xúc tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu du lịch; lựa chọn thị trường phù hợp, làm sao nâng được giá trị kinh tế cho đất nước, phát triển bền vững hơn là việc đón ồ ạt nhiều thị trường”. Do vậy, ông Lưu Đức Kế mong muốn: “Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh lành mạnh với những chế tài cụ thể, và phải đầu tư xứng tầm thì du lịch mới có thể sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Dự kiến vào tháng 5/2017, Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 08 quy mô toàn quốc tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Nói về việc áp dụng nghị quyết trong hoạt động kinh doanh, đại diện Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa chia sẻ: “Du lịch Khánh Hòa đang có sự phát triển mạnh mẽ, khách Trung Quốc đạt con số đáng mơ ước. Không phải là tour giá rẻ thì không thực hiện. Bởi, nếu đối tác thanh toán sòng phẳng, hoạt động nghiêm túc, chúng ta cần đối xử bình đẳng. Thực tế, thúc đẩy kinh doanh các loại hình du lịch của địa phương, như xe vận chuyển tăng vọt, người dân hưởng lợi rất nhiều. Vì vậy, Khánh Hòa thành lập Hiệp hội DN chuyên đón khách Trung Quốc. Đây là sân chơi bình đẳng, theo đúng định hướng phát triển du lịch địa phương. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi quán triệt hạn chế các tiêu cực, bám sát Nghị quyết 08”.

Ông Trần Công Lý - đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: Chúng tôi đang chờ chương trình hành động của Chính phủ để thấy rõ trách nhiệm của các bộ, ngành khác trong việc thực hiện Nghị quyết 08. Chẳng hạn, ngân hàng cần hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để DN, hộ dân làm du lịch cộng đồng, khuyến khích kinh doanh du lịch; tăng cường liên kết giữa các vùng; đào tạo nguồn nhân lực... Ngoài ra, cộng đồng DN cũng mong muốn các Bộ, ngành sớm hiện thực hóa các chủ trương, chỉ thị của Bộ Chính trị, sớm đưa ra những quy định cụ thể thực hiện mục tiêu của nghị quyết; tích cực triển khai chương trình hành động để nghị quyết lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống, và đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, xứng đáng với tiềm năng, kỳ vọng.

Ông Ngô Đông Hải nhận định, các DN đã nêu ra những vấn đề hết sức thiết thực, mở ra hướng mới, yêu cầu mới để chúng ta tiếp tục bàn bạc, trao đổi để thực hiện Nghị quyết 08. Nghị quyết là bước khởi đầu mới và cú hích mới cho cả chặng đường phát triển, trong đó mỗi chủ thể, đơn vị, cá nhân DN đều có vai trò, trách nhiệm của mình. “Chương trình hành động Nghị quyết 08 của Chính phủ sẽ sớm được ban hành. Đây chính là mốc, yêu cầu các Bộ, ngành xác định nhiệm vụ để thực thi, thể chế hóa hệ thống pháp lý phục vụ phát triển du lịch”- ông Ngô Đông Hải cho hay.

Dự kiến vào tháng 5/2017, Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 08 quy mô toàn quốc tại Nha Trang, Khánh Hòa.


Chiều 9/4, Lễ Bế mạc VITM Hà Nội 2017 đã diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Với 465 gian hàng của 672 DN, đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khoảng 3.000 lượt DN đã đến làm việc tại Hội chợ và khoảng 61.000 lượt người đến tham quan và mua sản phẩm du lịch. Sau 5 năm, VITM đã giữ vững vị trí của Hội chợ Du lịch Quốc tế có quy mô lớn nhất Việt Nam. Các hoạt động kinh doanh, trao đổi nghiệp vụ và giao lưu văn hóa đa quốc gia trong những ngày Hội chợ đã đưa VITM trở thành một thương hiệu của Du lịch Việt Nam. Chủ đề của Hội chợ: “Hà Nội – Điểm đến của Du lịch Việt Nam năm 2017” đã được các DN hưởng ứng mạnh mẽ. Các hình ảnh, thông tin về du lịch Thủ đô đã hiện diện trong cả Hội chợ. Công tác truyền thông cũng tập trung nhiều hơn về Hà Nội, do đó, VITM Hà Nội 2017 chắc chắn góp phần tăng trưởng cho du lịch Thủ đô.