Đối tượng tham gia chương trình là các DN sản xuất công nghiệp, DN sử dụng năng lượng trọng điểm quốc gia, DN có nguyện vọng xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất lâu dài và bền vững.
Tham gia chương trình thỏa thuận tự nguyện, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ toàn diện để dùng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
|
Theo đó, khi tham gia chương trình, các DN sẽ được hỗ trợ toàn diện về mặt kỹ thuật, quảng bá thương hiệu, kiểm toán năng lượng hoặc đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đồng thời, DN còn được hỗ trợ xây dựng kế hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trung và dài hạn, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, góp phần phát triển bền vững... Với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới và Quỹ Môi trường toàn cầu, chương trình được triển khai thí điểm trên toàn quốc, kéo dài 2 năm kể từ khi DN ký Thỏa thuận tự nguyện với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương.
Ông Hoàng Việt Dũng - đại diện quản lý dự án cho biết: "Chương trình thỏa thuận tự nguyện sẽ giúp các DN chủ động hơn trong việc thiết lập các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, từ đó thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất và tuân thủ những chính sách pháp luật của nhà nước".
Theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM: “Bên cạnh việc được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng, các nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ cũng được Bộ Công thương ưu tiên xem xét trong các gói hỗ trợ của Chương trình. Việc tiết giảm năng lượng sử dụng thông qua các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, cải thiện quy trình giám sát, quản lý đã và đang được nhiều DN quan tâm. Điều này không những giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho DN và còn là con đường để tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế”.