Nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với áp lực thiếu nguyên phụ kiện bởi dịch Covid -19. Ảnh: Hải Linh |
Lo gián đoạn sản xuất
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Trung Quốc cũng là thị trường chủ lực cung cấp điện thoại và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm; sắt, thép, hóa chất và sản phẩm cho Việt Nam. Chính vì vậy, DN Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực thiếu nguyên phụ liệu đầu vào khi nhiều nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19.
Trước mắt, các DN sẽ tìm cách ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 3 và tháng 4, cùng với đó, cần nỗ lực tìm thị trường nhập khẩu mới. Song DN rất cần phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước như có nguồn vay ưu đãi, gói hỗ trợ hay hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm...Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm |
Chia sẻ về khả năng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho các DN, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Mặc dù từ trước Tết các DN vẫn còn một lượng nguyên liệu tồn kho nhất định, nhưng lượng tồn kho này cũng chỉ đủ đảm bảo sản xuất trong một khoảng thời gian ngắn, đến khoảng cuối tháng 3 thì lượng nguyên liệu tồn kho này sẽ sử dụng hết. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nói thêm: Với ngành dệt may của Việt Nam, Trung Quốc đóng vai trò cung cấp nguồn đầu vào rất lớn bởi hàng năm nhập khẩu khoảng 60% vải, hơn 55% xơ sợi và khoảng 45% phụ liệu. “Đa số DN dệt may chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, đến thời điểm đó nếu dịch Covid-19 chưa được khống chế thì nguy cơ thiếu nguyên liệu sẽ hiện hữu” - ông Cẩm nói.
Thực tế cho thấy, do Trung Quốc nằm ở vị trí khởi đầu của chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất nên không chỉ DN Việt Nam bị ảnh hưởng mà ngay cả các DN lớn mang tầm quốc tế cũng không nằm ngoài tác động. Hãng xe ô tô Fiat Chrysler (Italia) vừa thông tin, một nhà máy tại châu Âu của Fiat đang có nguy cơ bị thiếu các bộ phận linh kiện của Trung Quốc trong tháng tới.
Lường trước khó khăn
Bàn về giải pháp gỡ nút thắt nguyên phụ liệu đầu vào cho nền sản xuất, các chuyên gia cho rằng: Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ DN tìm kiếm nguồn cung thay thế, thông qua việc tận dụng tối đa các FTA để mở rộng các kênh cung ứng, hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc và Đông Bắc Á.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương đã lường trước khả năng nguồn cung từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nên đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ cùng vào cuộc tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành dệt may, da giày… Bước đầu, Bộ Công Thương xác định những thị trường như Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, EU... có nguồn nguyên liệu khả thi để các DN Việt Nam tiếp cận. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân: Hiện các DN đã tìm hướng thay thế như với mặt hàng da, các DN đang tìm kiếm nguồn hàng tại Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, song giải pháp của DN chỉ mang tính chất ứng phó trong ngắn hạn.
Để đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào, trong thời gian chưa khống chế được dịch Covid-19, ngày 26/2, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị khẩn số 05/CT-BT về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, để tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với các Hiệp hội dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, hóa chất... để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên vật liệu trong nước, nhu cầu nhập khẩu; Đề xuất các giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong bối cảnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn... báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trước ngày 5/3 tới.
Dịch Covid-19 đã làm lộ ra thực tế nhiều ngành sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. DN cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp, hành động quyết liệt hơn trong việc xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những ngành xuất khẩu chủ lực. Nếu chậm trễ, nhiều ngành sẽ chịu bất ổn, rủi ro lớn trước những biến động khó lường của thị trường, nhất là từ thị trường Trung Quốc nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.