Sau 15 lần giảm giá liên tục suốt 6 tháng qua và nhiều lần liên tiếp ổn định giá, chiều qua (11/3) giá xăng đã được điều chỉnh tăng mạnh khoảng 1.600 đồng/lít. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới diễn biến khó lường và đang có xu hướng tăng, từ 1/5 tới, thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng 300%, trong đó riêng mặt hàng xăng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít. Liệu việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên gấp 3 lần như vậy có gây áp lực khiến giá xăng dầu tăng mạnh, tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế?
Theo Bộ Tài chính, lý do điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là để ứng phó với vấn đề hụt thu ngân sách do phải giảm thuế xuất nhập khẩu theo các cam kết hội nhập. Trong khi đó, từ quý 3/2014, giá xăng dầu thế giới giảm khiến cho số thu ngân sách nhà nước giảm. Do đó, để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp ba lần hiện nay. Cùng với việc tăng thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ sẽ xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 35% xuống còn 20%, để bảo đảm giá bán lẻ xăng dầu không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường như trên sẽ không làm tăng giá xăng, dầu trong nước: “Nếu chúng ta đi theo phương án đồng bộ giữa chính sách thuế nhập khẩu với thuế bảo vệ môi trường thì tổng thể là phù hợp và không bị ép giá từ bên ngoài, đặc biệt là trong khối ASEAN (chiếm hơn 50% lượng cung cấp). Thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít trong khung 4.000 đồng/lít. Đồng thời điều chỉnh thuế nhập khẩu xuống 20%. So sánh 2 cái này thì chúng tôi tính toán giá xăng dầu không tăng, vẫn đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.”
Dự kiến tổng số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu năm 2015 theo phương án điều chỉnh nêu trên là hơn 35.500 tỷ đồng/năm, tăng hơn 23.700 tỷ đồng/năm. Con số này đảm bảo khoảng 84% mức giảm thu ngân sách nhà nước do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), thực tế, tất cả các mức thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, phí…đều cấu thành nên giá bán lẻ. Mặc dù tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng theo lộ trình, sẽ giảm thuế nhập khẩu nên “cái nọ bù cái kia”, giúp cho giá xăng dầu sẽ không bị tác động lớn bởi việc tăng thuế bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi nếu giá xăng dầu thế giới giảm.
Ông Bùi Ngọc Bảo nói: “Việt Nam cam kết hội nhập ASEAN, trước mắt phải giảm thuế nhập khẩu theo đúng cam kết. Rõ ràng nguồn thu của nhà nước đối với xăng dầu là nguồn thu đáng kể. Việc điều chỉnh trong khuôn khổ của luật thuế, như thuế môi trường là việc cần thiết. Tuy nhiên xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý về giá nên có thể không thay đổi, tác động đến giá xăng dầu bán ra. Bởi trong công thức giá có thể bù trừ điều chỉnh với nhau. Giả sử tăng thuế môi trường, thì lại giảm thuế nhập khẩu nên có thể không tác động đến giá.”
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long - chuyên gia về thị trường, giá cả, cần phải tính toán mức tăng thuế bảo vệ môi trường này so với mức giảm thuế nhập khẩu đã cân đối chưa và có thực sự hợp lý không. Bởi với việc tăng thuế bảo vệ môi trường, tới đây, mỗi lít xăng sẽ “gánh” thêm 2.000 đồng tiền thuế. Còn với mặt hàng dầu, trừ dầu hỏa, còn lại cũng sẽ phải thêm từ 300 đồng/lít - 1.500 đồng/lít. Rõ ràng đây là những con số không nhỏ trong cơ cấu giá thành và người tiêu dùng vẫn là đối tượng phải gánh chịu. Ngoài ra, việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên tới 300% là khá cao. Nên chăng cần có lộ trình phù hợp để tránh tác động mạnh đến giá xăng dầu. Bởi thời gian tới, diễn biến giá xăng dầu vẫn phức tạp. Giá xăng mới được điều chỉnh tăng mạnh lên tới 1.600 đồng/lít, sau một chuỗi giảm giá liên tiếp trong suốt nhiều tháng qua”.
Ngoài ra, từ ngày 16/3 tới, giá điện cũng sẽ được điều chỉnh tăng 7,5%. Việc tăng giá nhiên liệu đầu vào khiến cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Đồng thời, sẽ tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng tiêu dùng trên thị trường. Đây không chỉ là nỗi lo của người tiêu dùng, mà còn là một sức ép lớn đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng trong năm 2015.
Ông Ngô Trí Long nêu ý kiến: “Thuế là 1 yếu tố cấu thành nên giá. Thuế tăng thì sẽ làm cho giá tăng. Phải tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên gấp 3 lần là rất lớn. Điều này có thể sẽ tác động đến giá xăng dầu. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế rất yếu, nên nếu tăng giá xăng dầu làm cho chi phí sản xuất tăng lên, làm giá thành tăng, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.”
Bộ Tài chính khẳng định, trên cơ sở mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, sẽ thực hiện điều hành chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp. Đây là cũng là điều mà dư luận mong đợi để tránh những đợt tăng giá gây “sốc” cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới./.
Ảnh minh họa.
|