Lý do có vẻ lạ, song được nhiều người đưa ra là việc chấp nhận “thất nghiệp tự nguyện”.
Lao động ngại khổĐại diện nhiều DN cho biết, thời gian này họ khó thu hút được lao động, dù đã thông báo tuyển lao động cả tháng trời. DN kiên trì tham gia phiên giao dịch việc làm, nhưng có ngày chỉ nhận được vài bộ hồ sơ. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang – Phụ trách khối Nhân sự tổng hợp, Chuỗi siêu thị Unikmart cho biết, cuối tháng 10/2017, công ty có nhu cầu mở thêm một siêu thị, nên cần tuyển 10 nhân viên bán hàng và thu ngân. Vị trí này chỉ cần lao động tốt nghiệp THPT, trung thực và gắn bó với công việc. Mức lương khởi điểm từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng theo doanh số, phụ cấp và ăn trưa. “Ở vị trí bán hàng siêu thị, nhiều người không muốn gắn bó lâu dài, thường chỉ làm 3 – 6 tháng. Việc bán hàng chỉ là để trải nghiệm rồi tìm công việc khác lương cao, thay vì tận tâm để có cơ hội phát triển” – chị Trang chia sẻ.
|
Doanh nghiệp phỏng vấn lao động tìm việc tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật trình độ phổ thông cũng rất gian nan, mặc dù đưa ra mức lương ban đầu khá cao. Đơn cử, Công ty CP Sáng ban mai cần tuyển nhân viên kỹ thuật điện. Theo anh Nguyễn Văn Khánh – Trưởng Văn phòng miền Bắc của công ty, nhân viên kỹ thuật điện có mức lương 6 triệu đồng/tháng, hỗ trợ công tác phí 120.000 đồng/ngày khi đi lắp đặt. Ngoài ra, còn được hỗ trợ khi giãn giờ làm, tăng ca, xăng xe, điện thoại, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng. Nhưng ở ngành nghề này, nhiều DN có nhu cầu nhân lực nên cung không đủ cầu. Nguồn tuyển trình độ đại học rất dễ nhưng công ty không thể trả lương cao hơn, nên chỉ cần lao động phổ thông. Điều đáng nói, nhiều người có bằng đại học không muốn đi làm công việc trình độ thấp hơn mà chấp nhận “thất nghiệp tự nguyện”, làm cho tỉ lệ thất nghiệp tăng.
Thương mại – dịch vụ thu hút lao động3 tháng cuối năm 2017, nhu cầu nhân lực trình độ phổ thông và cao đẳng, đại học của các DN tiếp tục tăng. Nhận định về thị trường việc làm quý IV/2017, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, nhóm thương mại – dịch vụ (bán hàng trong siêu thị, marketing, chăm sóc khách hàng...) vẫn sẽ thu hút nhiều nhân lực. Các DN trả lương dựa trên cơ sở mặt bằng chung cộng với chế độ đãi ngộ. Mức lương phổ biến 5 – 7 triệu đồng/tháng dành cho những vị trí việc làm ổn định (kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, công nhân...). Nhiều công việc có mức lương 7 - 10 triệu đồng/tháng áp dụng đối với lao động có trình độ và chịu được áp lực cao (kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng...).
Thông qua việc tiếp xúc nhu cầu tuyển dụng của DN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ông Thành thông tin, cuối năm nay, các đơn vị sản xuất rất khó tuyển dụng lao động. Đối với nghề hàn, Trung tâm tiếp nhận chỉ tiêu cần tuyển của DN, sàng lọc hồ sơ của các ứng viên và liên hệ với các trường đào tạo nghề. Thực tế cho thấy, các trường đào tạo ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. “Chúng tôi chưa tiếp xúc được với người lao động để tìm hiểu lý do vì vất vả hay phải đi lại nhiều mà nghề hàn không hấp dẫn. DN cần người, nhưng có những trường trung cấp mỗi khóa học chỉ tuyển được 18 – 20 chỉ tiêu” – ông Thành cho hay.
Tiếp tục tạo thêm việc làm cho người lao động, đồng thời, tạo điều kiện cho DN tuyển dụng được nhân sự, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục mở các phiên chuyên đề (dành cho người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc trở về, bộ đội xuất ngũ...). Sinh viên có rất nhiều cơ hội việc làm tại phiên giao dịch tuyển lao động làm việc bán thời gian với mức thu nhập khá và được trải nghiệm thực tiễn. Để đáp ứng cung – cầu giữa hai bên, ngay từ bây giờ, Trung tâm sẽ tập hợp nhu cầu tuyển dụng từ DN, từ đó cung cấp nguồn lao động để phục vụ tốt nhất cho dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2018.