Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp “khóc dở, mếu dở” vì xung đột luật

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN bị cơ quan thuế phạt và truy thu hàng tỷ đồng do không đúng với Luật Thuế nhưng lại thực hiện đúng Luật Kế toán - đó là thực tế đang diễn ra khiến nhiều DN dở khóc, dở cười hiện nay.

Theo một số chuyên gia, với tình huống này, nếu cơ quan thuế xử lý không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín và tài chính của DN dù lỗi nhiều khi không phải do DN gây ra.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Thuế quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng

Mới đây, cơ quan thuế đã ra kết luận thanh tra Công ty CP Sản xuất xuất nhập khẩu NHP (mã chứng khoán NHP) do ông Lê Xuân Nghĩa là Chủ tịch HĐQT. Theo đó, DN chuyên sản xuất các loại bao bì, kinh doanh hạt nhựa này đã bị cơ quan thuế ra quyết định xử phạt hơn 500 triệu đồng. Trong đó, khoản tiền truy thu thuế thu nhập DN là hơn 351 triệu đồng, còn lại là các khoản phạt đối với một số vi phạm khác. Một trong những lỗi mà cơ quan thuế nêu ra khi thanh tra thuế tại DN này là kê khai chi phí trích khấu hao nhà xưởng của tài sản chưa thuộc quyền sở hữu của công ty, chưa đủ điều kiện trích khấu hao theo quy định.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, NHP bị truy hồi thuế thu nhập DN là do sự khác nhau giữa cách tính khấu hao tài sản theo Luật Thuế và Luật Kế toán. Năm 2014, Công ty NHP có hợp đồng nhận chuyển nhượng nhà xưởng và sử dụng nhà xưởng này để hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Nếu theo nguyên tắc kế toán và kiểm toán thì sau khi hoàn tất việc mua bán tài sản và đưa vào sản xuất, kinh doanh thì công ty phải khấu hao tài sản đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam từ lúc hoàn tất thủ tục mua bán đến khi sang tên đổi chủ thường mất thêm một khoảng thời gian nữa. Điều này dẫn đến sự khác biệt khi áp dụng theo Luật Thuế"-  ông Nghĩa chia sẻ.
Cụ thể, theo Luật Kế toán, Công ty NHP được trích ngay khấu hao tài sản cố định là nhà xưởng từ tháng 6/2014. Nhưng theo cơ quan thuế, tại thời điểm đó, công ty chưa được trích khấu hao vì chưa có quyết định thu hồi đất và hợp đồng thuê đất với Nhà nước. Mãi đến một năm sau, công ty mới hoàn thành được thủ tục sang tên.
Công ty NHP không phải là DN duy nhất bị phạt vì sự xung đột giữa Luật Kế toán và Luật Thuế. Sự xung đột này khiến DN rơi vào tình trạng đúng Luật này nhưng sai Luật kia nên vẫn bị phạt và truy thu hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, DN còn bị mang tiếng là làm sai các quy định về thuế.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, với tình huống này, khi cơ quan thuế xử lý không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến DN, cả về uy tín và tài chính, những vấn đề vốn rất quan trọng trong bối cảnh thị trường hiện tại, bởi lỗi nhiều khi không phải do DN gây ra. “Theo trình tự thì DN phải chấp hành Luật Kế toán trước, trên cơ sở đó, ngành thuế mới bắt đầu tính thuế. Nếu vì xung đột luật mà áp dụng chế tài phạt DN là không nên, chúng ta phải bảo vệ sự phát triển của DN nếu DN không có dấu hiệu gian dối. Chúng ta đang khuyến khích các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, đang nỗ lực sửa đổi môi trường đầu tư, đang nuôi dưỡng nguồn thu nên với các vướng mắc của DN cần phải xem xét thận trọng"- ông Nam chia sẻ.
“Hiện nay, nhiều DN không dám nói lên sự thật khi vướng phải các tình huống xung đột Luật vì họ ngại và lo ảnh hưởng đến DN của mình. Quan điểm của tôi là phải gỡ bỏ những vướng mắc, đừng để DN sợ hãi”.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam
Tô Hoài Nam