Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp khởi nghiệp thờ ơ với sở hữu trí tuệ

Theo Báo Hải Quan
Chia sẻ Zalo

Sở hữu trí tuệ lâu nay vẫn đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm an toàn cho sản phẩm, lĩnh vực mà DN khởi nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được DN khởi nghiệp chú trọng bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Chưa chú trọng
Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, với phong trào khởi nghiệp được Chính phủ phát động, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 DN khởi nghiệp với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa, Việt Nam đang được xếp thứ 3 trong danh sách các nước tốt nhất trên thế giới nên đầu tư vào, vì vậy 2016 là năm tiếp tục khởi sắc khi nhiều dự án khởi nghiệp nhận được các khoản đầu tư lớn.
 Với DN thuộc lĩnh vực sáng tạo, vấn đề sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh doanh.
Trong một hội nghị vào cuối năm 2016 về khởi nghiệp, nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng khi DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thường hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trên môi trường internet nên rất “sợ” các loại “giấy phép con” liên quan tới hoạt động công nghệ, bởi những hoạt động kinh doanh này chưa được pháp luật quy định rõ. Không những thế, các DN cũng rất cần giải quyết vấn đề về sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu…
Trên thực tế, đối với các DN khởi nghiệp, nhất là DN khởi nghiệp sáng tạo thì khi đưa sản phẩm hay dịch vụ ra thị trường, các DN này phải quan tâm ngay đến việc sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền để tránh những tranh chấp, liên lụy về thương hiệu, quyền tác giả, thậm chí là tránh bị đối thủ cạnh tranh sao chép, lấy mất thương hiệu. Đây hoàn toàn không phải là điều mới, nhưng nhiều DN khởi nghiệp, thậm chí là DN hoạt động lâu năm còn rất lơ là. Chính vì thế, thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện cả nước có khoảng 600.000 DN và hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng mới có khoảng 300.000 nhãn hiệu được đăng kí bảo hộ ở Việt Nam (bao gồm cả DN nước ngoài).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng, các DN khởi nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền. Không ít DN dù đã được khuyến cáo những vẫn bỏ qua công đoạn này. Bởi DN cho rằng sẽ tốn thêm chi phí, mất thời gian mà chưa ý thức được tầm quan trọng khi đưa sản phẩm, dịch vụ phổ biến ra thị trường.
Là một DN khởi nghiệp với nhiều thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ internet vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ cao Hachi Việt Nam cho biết, việc đăng ký sở hữu trí tuệ hiện có chi phí từ 3-6 triệu đồng, thời gian cấp phép, cấp bằng sáng chế lại mất từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, sản phẩm của DN thay đổi liên tục, phải thường xuyên cập nhật công nghệ mới nên với thời gian cấp phép dài như thế thì DN không thể đáp ứng được. Do vậy, DN mới chỉ tiến hành đăng ký bản quyền logo, thương hiệu. Hơn nữa, việc sao chép về sản phẩm, công nghệ vẫn chưa đáng ngại với các DN khởi nghiệp, vì sản phẩm của họ vẫn liên tục được hoàn thiện, thay đổi.
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Thái, nghiên cứu viên sinh học với dự án khởi nghiệp về bộ dụng cụ trồng nấm tại nhà cho rằng, ông vẫn chưa mặn mà và chưa thấy cần thiết với việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Bởi không chỉ thủ tục mất thời gian mà việc sao chép các sản phẩm, thiết bị diễn ra thường xuyên tại Việt Nam do đó DN vẫn dành vốn để phát triển sản phẩm hơn là đăng ký bản quyền.
Phải hỗ trợ
Một chia sẻ được khá nhiều DN khởi nghiệp nêu ra là họ đang không biết phải đăng ký sở hữu trí tuệ như thế nào, vì sản phẩm thường được sáng tạo, sáng chế từ nhiều bộ phận, linh kiện khác nhau, của các thương hiệu khác nhau. Hơn nữa, mối lo ngại nhất vẫn nằm ở thủ tục đăng ký rắc rối và thời gian đăng ký kéo dài.
Tuy nhiên, trước nhu cầu của DN, nhiều đơn vị, tổ chức liên quan đến sở hữu trí tuệ đã thành lập các trung tâm hỗ trợ DN về sở hữu trí tuệ như tư vấn thủ tục cấp phép; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn; đưa vào quy trình giải quyết nhanh hồ sơ, công văn của DN khi đăng ký; hay các hoạt động tại Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (chương trình 68) giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dù vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là chưa đủ mà cần sự vào cuộc của bản thân các DN, tự các DN phải ý thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ.
Một cách hỗ trợ thiết thực các DN, Trung tâm ươm tạo DN công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thành lập văn phòng hỗ trợ DN khởi nghiệp về vấn đề sở hữu trí tuệ. Văn phòng này được nằm thường trực ở trung tâm, sẵn sàng giải đáp, tư vấn cho các DN khởi nghiệp về sở hữu trí tuệ. Đây là mô hình đã được nhiều trung tâm, vườn ươm DN khởi nghiệp học hỏi, với hy vọng sẽ giúp cải thiện hơn vấn đề sở hữu trí tuệ trong các DN khởi nghiệp.