Theo đó, cho phép các DN tăng giá xăng A92, xăng E5 là 612 đồng/lít; Dầu diezel tăng 576 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 513 đồng/lít và dầu mazut tăng 297 đồng/kg.
Từ 15 giờ ngày hôm qua, xăng RON 92 bán với giá tối đa là 17.950 đồng/lít, xăng E5 17.455 đồng/lít trong khi dầu diesel 13.886 đồng/lít, dầu hỏa 12.799 đồng/lít, dầu mazut 9.648 đồng/lít. Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc điều chỉnh tăng giá xăng, dầu do giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng tăng. Cụ thể, giá bán bình quân xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới từ ngày 3/9 đến hết ngày 17/9 là 61,334 USD/thùng xăng RON 92; 59,809 USD/thùng dầu diesel, 59,2015/thùng dầu hỏa. Giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng đã kéo theo giá cơ sở các mặt hàng thành phẩm ngày 18/9 cao hơn giá bán ngày 3/9, trong đó xăng A92, E5 là 612 đồng/lít, dầu diezel 576 đồng/lít, dầu hỏa 513 đồng/lít và dầu mazut 297 đồng/kg. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã qua 11 lần điều chỉnh tăng giảm, trong đó giá xăng đã giảm 7 lần (tổng cộng 5.588 đồng/lít) và tăng 4 lần (tổng cộng 5.662 đồng/lít). Hiện giá xăng đã đắt hơn so với đầu năm khoảng 74 đồng/lít.
Có thể thấy, trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này, liên Bộ Công Thương -Tài Chính vẫn yêu cầu DN trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định hiện hành (300 đồng/lít) nhưng không đề cập đến việc sử dụng Quỹ bình ổn để hỗ trợ giá bán. Trong khi đó, theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ ngày 18/9), quỹ bình ổn xăng dầu của Petrolimex còn khoảng 1.725 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm công bố gần đây nhất (ngày 3/9) ở mức 1.620 tỷ đồng, Quỹ bình ổn xăng dầu của Petrolimex đã tăng thêm 105 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, kể từ đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, Quỹ bình ổn xăng dầu đã được tích lũy tăng thêm. Nhưng trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lần này DN không được sử dụng quỹ để hạn chế việc tăng giá xăng dầu, trong khi số tiền này là do người tiêu dùng đóng góp.
Bên cạnh đó, theo quy định, DN kinh doanh xăng dầu được hưởng lãi cố định 300 đồng/lít và được tính vào cơ cấu giá xăng cũng là điều mà các chuyên gia kinh tế cho rằng, ưu ái này khiến việc điều hành giá xăng dầu chưa theo cơ chế thị trường vì Nhà nước đã định sẵn lợi ích cho DN. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, theo nguyên tắc, trong quá trình kinh doanh DN phải đối mặt với cả lãi lẫn lỗ. Nếu làm khéo được lãi, còn ngược lại phải chịu lỗ. Chính vì thế không nên ấn định mức lãi nhất định như hiện nay. Việc định sẵn lợi nhuận định mức cũng ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thị trường bởi khó khuyến khích DN nhỏ cạnh tranh với DN lớn với mức lơi nhuận đã được ấn định.
Mua bán xăng tại một cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
|