Chia sẻ tại hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa: Trường hợp của Ngành chế biến xuất khẩu Gỗ và ngành Bán lẻ” tổ chức sáng 6/10, các DN đã thẳng thắn lên tiếng: “Hỏi DN nội có cần hỗ trợ hay không không khác nào hỏi người đói có muốn ăn không”. DN trong nước luôn cần hỗ trợ, thậm chí ở một số lĩnh vực như phân phối DN đang “sống dở chết dở” vì bị phân biệt đối xử, chịu thiệt trước các DN ngoại.
Lấy ví dụ ngành bán lẻ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ngành này đang chịu nhiều thiệt thòi khi đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà đầu tư nước ngoài và rất cần chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Vậy nhưng thực tế chính sách của chúng ta lại đang làm lợi cho các DN ngoại. Bà Chi Lan cho biết, chúng ta quy định phải cách hơn 50m mới được mở một cửa hàng. Đây là một lỗ hổng chết người mà dựa vào đó các ông lớn nước ngoài đã mở các chuỗi cửa hàng tiện ích, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam, tạo thành thế tấn công toàn diện, dồn dập, mạnh mẽ. Tại hội thảo, một con số đáng lo ngại được đưa ra đó là đến nay có đến 1.750 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam làm nhà phân phối. Có thể thấy rõ các DN phân phối nội địa đang phải chống chọi khó khăn với DN ngoại, và điều chắc chắn xảy ra là nếu các DN này bị ảnh hưởng thì kéo theo đó là sự khó khăn của những nhà sản xuất trong nước. Một thực tế đã diễn ra là các đại siêu thị lớn nước ngoài đã và đang ưu tiên hàng nhập từ nước ngoài thay vì đặt hàng các nhà sản xuất Việt.
Thực tế thời gian qua Metro, Big C... luôn được ưu ái thuê dài hạn hàng chục hecta đất vàng với giá rẻ, trong khi DN nội đề xuất thì câu trả lời là “không” khiến cho DN nội phải tự thân vận động. Đó là sự phân biệt đối xử!
Theo ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Chính sách Thương mại quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nhập mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng trong nước nhưng mặt khác những cam kết quốc tế cũng làm cho không gian chính sách của Việt Nam đồng thời bị thu hẹp lại... Nhưng cửa “hẹp” không có nghĩa là chúng ta đã mất hết không gian chính sách, vấn đề nằm ở những người thiết kế chính sách có thực sự tâm huyết với DN hay không. Việt Nam vào WTO đã lâu nhưng theo đánh giá của các chuyên gia và DN thì chúng ta vẫn chưa tận dụng không gian chính sách của WTO.
Đóng góp ý kiến ở một góc độ khác, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các DN phải chấp nhận một thực tế là không gian chính sách ngày càng hẹp cho các ngành sản xuất, vì thế DN đừng quá hy vọng và trông chờ vào chính sách hỗ trợ mà bản thân DN phải tự thân vận động, đó là vấn đề mấu chốt…
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT cũng rất tâm đắc với giải pháp tận dụng tốt không gian chính sách đó là thông qua các hiệp hội. “Những hỗ trợ thông qua hiệp hội đương nhiên là phù hợp với WTO” – ông Dũng nhấn mạnh. Và đây là mấu chốt quan trọng để các DN có thể tiếp nhận được những hỗ trợ cần thiết từ cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực, vay vốn, đến xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...