Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp ngành thép: Giá nguyên liệu “bào mòn” lợi nhuận

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt khó khăn “đổ đầu” ngành thép từ đầu năm 2018 đến nay đã khiến kết quả kinh doanh nhiều DN đi xuống hoặc không đạt kỳ vọng. Kéo theo đó, giá cổ phiếu các DN sụt giảm khiến nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”. 6 tháng cuối năm, khó khăn với DN thép vẫn còn nhiều, DN yếu kém sẽ phải đối diện nguy cơ bị gạt bỏ.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty CP Thép Việt Đức, Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trần Việt
Lợi nhuận đi xuống, cổ phiếu đỏ sàn

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư quý II mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long thừa nhận: “Chưa khi nào ngành thép thế giới và Việt Nam gặp khó khăn như vậy. Giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước”. Theo lãnh đạo Hòa Phát, kết quả kinh doanh đạt được là khá tốt và đạt kế hoạch đề ra, tuy nhiên con số lợi nhuận sau thuế quý II đạt 2.050 tỷ đồng của Tập đoàn này vẫn giảm 7% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 30.500 tỷ đồng và 3.860 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.

Dù không giữ được phong độ như cùng kỳ năm trước về lợi nhuận nhưng Hòa Phát vẫn được coi là một “ngôi sao sáng” trong làng thép. So với các DN cùng nghề khác như Thép Nam Kim, Pomina…, kết quả kinh doanh của Hòa Phát vẫn được đánh giá là khả quan.
6 tháng cuối năm có thể vẫn khó khăn do thị trường bất động sản đang chậm lại. Dù vậy, nếu không có gì biến động lớn, chúng tôi vẫn tự tin sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long

Tại Thép Nam Kim (NKG), bên cạnh việc đối mặt với những diễn biến khó lường của giá thép cũng như tình hình cung cầu không khả quan, Công ty hiện cũng mang rủi ro quản trị khi quy mô không lớn, sức khỏe tài chính không ổn định và giao dịch nhiều với các bên liên quan. Sau 2 quý thua lỗ (quý IV/2018 lỗ 173 tỷ đồng và quý I/2019 lỗ 102 tỷ đồng), Thép Nam Kim ước đạt 120 tỷ đồng trong quý II/2019, lũy kế nửa đầu năm lãi ròng xấp xỉ 20 - 25 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá thép cán nóng (HRC) trung bình quý này không cao hơn nhiều so với quý đầu năm (557 USD/tấn so với 548 USD/tấn), mức lợi nhuận trên có được nhờ 2 khoản chuyển nhượng nhà máy Nam Kim 1 và phần vốn góp trong liên doanh Nam Kim Corea. “Ngoài ra, lãi ròng cải thiện một phần do tiết giảm mạnh chi phí lãi vay nhờ giảm nợ ngắn hạn, theo đó nhiều khả năng hoạt động kinh doanh cốt lõi trong của NKG chưa thực sự hồi phục” - báo cáo của công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Cùng với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, giá cổ phiếu các DN thép trong nước cũng nhiều tháng, nhiều quý đỏ sàn. Kéo theo đó, tài sản nhà đầu tư bị bốc hơi hàng tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Theo dữ liệu của Vietstock, giá cổ phiếu HPG qua một tháng giảm 5,96%, qua một quý giảm gần 15%, một năm giảm hơn 23%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7, HPG cũng giảm 450 đồng về 22.100 đồng/CP. Tương tự, cổ phiếu NKG cũng liên tục đi xuống. Trong vòng một tuần gần đây nhất, giá cổ phiếu DN này giảm 2,67%; một tháng giảm 1,62% và một quý giảm 8,75%, một năm giảm gần 27%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu này giảm 148% xuống 7.300 đồng/CP.

6 tháng cuối năm, khó chồng khó

Giới chuyên gia phân tích và bản thân các DN trong ngành thừa nhận những khó khăn tiếp tục gặp phải.

Chuyên gia phân tích Phan Linh - CEO Tổ chức Take Profit đánh giá, là một ngành phụ trợ của ngành xây dựng, các DN ngành thép cũng không tránh khỏi gặp rất nhiều khó khăn khi ngành xây dựng đã có những dấu hiệu tạo đỉnh đi xuống. Điều này thể hiện rõ từ đầu năm 2018, khi lợi nhuận sau thuế của các DN đầu ngành như HPG, HSG, NKG liên tục sụt giảm. Thêm vào đó, giá quặng sắt đầu vào đã tăng 70% từ đầu năm 2019 đến giờ sẽ tiếp tục bào mòn biên lợi nhuận của các DN sản xuất thép xây dựng như HPG, POM, TIS, VIS, VGS,… “Với các DN sản xuất tôn mạ như HSG và NKG thì việc Mỹ vừa rồi áp mức thuế 400% lên các DN xuất khẩu thép có nguồn gốc Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan gây cho các DN này rất nhiều khó khăn. Ngoài Mỹ thì các nước nhập khẩu tôn mạ khác cũng đặt rất nhiều rào cản thương mại khiến nhóm hàng này tăng trưởng tiêu thụ âm 5% trong 6 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu giảm gần 19% so với cùng kỳ” - ông Linh đánh giá.

Nhận định về triển vọng của các DN thép những tháng cuối năm, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB phân tích, ngành thép ở Việt Nam là tích cực trong dài hạn do môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Chính phủ và dòng vốn FDI tiềm năng chảy vào quốc gia. Tuy nhiên, chiếc bánh thị phần ngành thép không chia đều cho tất cả, DN yếu kém sẽ phải đối diện nguy cơ bị gạt bỏ.

Về dự báo giá quặng và tình hình kinh doanh cuối năm, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, DN luôn có kế hoạch dài hơi nên chuẩn bị được nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau, hạn chế tối đa ảnh hưởng của thị trường cung cầu.