Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại nếu thiếu Khoa học công nghệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khi nói về việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, hoạt động KHCN là không thể thiếu đối với bất cứ doanh nghiệp nào, đây cũng chính là yếu tố sống còn để quyết định tới sự tồn tại của doanh nghiệp trên thị trường hiện nay. Chia sẻ phản ánh sát thực tế này được Bộ trưởng đưa ra tại Cuộc giao lưu với những doanh nhân tiên phong ứng dụng công nghệ, một hoạt động thuộc khuôn khổ Techmart 2015 đang diễn ra.

Theo ông Quân, Việt Nam đang ngày một tiến sát vào quá trình hội nhập quốc tế, nếu không liên tục đổi mới công nghệ để cho ra đời những sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại trên thị trường được. Sắp tới đây doanh nghiệp sẽ không chỉ cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà cả những đối thủ rất mạnh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, phần lớn trong số đó đều ứng dụng rất sâu KHCN vào hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh.
Robot Rogo dùng trong gia đình là sản phẩm đến từ sự kết hợp giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp
Robot Rogo dùng trong gia đình là sản phẩm đến từ sự kết hợp giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp
Vì vậy các doanh nghiệp cần nhìn nhận một cách chính xác rằng, KHCN không chỉ là một giải pháp mà còn là cứu cánh cho doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định AEC, FTA hoặc sắp tới là TPP ... Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Để làm được điều này, một nhà doanh nghiệp cần phải có tinh thần của người làm khoa học và ngược lại, nhà khoa học cũng cần có tinh thần kinh doanh, sẵn sàng sáng tạo và ứng dụng các nghiên cứu có tính ứng dụng thực tế. Hiện tại, các doanh nghiệp như Minh Long, Rạng Đông, Mỹ Lan ... đang thực hiện rất tốt tinh thần này, Bộ trưởng chia sẻ.

Cùng quan điểm với người đứng đầu ngành KHCN, ông Nguyễn Đoàn Thăng- Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng doanh nghiệp mình sẽ không thể có được ngày hôm nay, thậm chí là có thể sống được nếu thiếu sự đóng góp của các nhà khoa học.

Thậm chí Rạng Đông từng có lúc cận kề bờ vực phá sản, đã phải đóng cửa hơn 6 tháng nhưng cũng nhờ KHCN nên mới có thể hồi phục và hoạt động tốt trở lại. Tiêu biểu là dòng đèn Compact, sản phẩm chính giúp doanh nghiệp cạnh tranh với đèn Led cũng đến từ sự hợp tác giữa Rạng Đông và nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực chiếu sáng, ông Thăng chia sẻ.

Theo ông Thăng, bên cạnh chế độ đãi ngộ, niềm tin cũng là điều tối quan trọng để nhà khoa học gắn bó với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải tin tưởng, tạo điều kiện cho nhà khoa học nghiên cứu các ứng dụng mới, coi họ là một phần không thể thiếu đối với kế hoạch kinh doanh của mình.

Đồng ý với việc coi nhà khoa học là thành phần sống còn của doanh nghiệp, nhưng bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Công ty Misfit Wearables hoạt động trong mảng thiết bị y tế, cho rằng đã đến lúc các nhà khoa học cũng cần phải tự biến mình thành một phần của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là nhà khoa học cần có tư duy như một nhà công nghệ để thích hợp hơn với môi trường kinh doanh.

Khi nghiên cứu một sản phẩm, nhà khoa học cho rằng đó là một bài toán về khoa học nhưng nhà công nghệ lại nhìn nhận đó là một ứng dụng có tình thực tế ngoài cuộc sống. Không những thế, các nhà khoa học thường có thói quen tự mình làm tất cả từ đầu đến cuối, thay vì chia nhỏ theo từng công đoạn cho những người khác trong đội của mình, điều này sẽ giúp sản phẩm có chất lượng tốt hơn nhiều khi hoàn thành. Đây hiện là những yếu điểm của đa số nhà khoa học nhà khoa học tại Việt Nam, bà Trang chia sẻ.

Nói thêm về sự cần thiết giữa hoạt động KHCN và doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, với vai trò quản lý, Bộ sẽ cố gắng hết sức thông qua việc đưa ra các cơ chế chính sách thông thoáng và thuận lợi nhằm gắn kết 2 thành phần này lại với nhau. Qua đó cũng giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.

 
Techmart 2015 diễn ra từ ngày 01- 04/10/2015 tại Hà Nội. Có hơn 750 đơn vị tham gia với trên 500 doanh nghiệp, 110 viện nghiên cứu, 22 trường đại học, 32 Sở KH&CN, 30 tổ chức hỗ trợ phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ, 57 nhà sáng chế không chuyên…

Đây là kỳ Techmart khác biệt nhất khi thực sự lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cả nội dung hoạt động, hình thức tổ chức và số lượng đơn vị tham gia. Thông qua Techmart 2015, các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu cùng doanh nghiệp sẽ có cơ hội bắt tay hợp tác, ứng dụng thành tựu khoa học vào hoạt động sản xuất kinh doanh.