Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện công tác dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân vùng bị thiên tai trên địa bàn TP năm 2014, đến thời điểm này, ngành công thương Thủ đô đã sẵn sàng đáp ứng mục tiêu lượng hàng hóa mỗi đợt cứu trợ đảm bảo nhu cầu tối thiểu của 250.000 dân trong thời gian 7 ngày.

Doanh nghiệp “3 sẵn sàng”

Thực hiện Quyết định của UBND TP tạm ứng vốn cho 4 doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2014, đến thời điểm này, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc được giao tạm ứng 5,47 tỷ đồng, đã dự trữ đủ lượng hàng được giao là sản phẩm chế biến từ ngũ cốc và gạo ăn. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được tạm ứng 53,25 tỷ đồng, đã dự trữ đủ lượng hàng gồm: Sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến từ thịt và cá... Thậm chí, các DN còn dự trữ được nhiều hơn số vốn được giao, như Hapro thực hiện thực tế 56,6 tỷ đồng, Lan Chi gần 20 tỷ đồng…
Kiểm tra hàng phục vụ cứu trợ tại Siêu thị Lan Chi, huyện Ba Vì.
Kiểm tra hàng phục vụ cứu trợ tại Siêu thị Lan Chi, huyện Ba Vì.
Tính đến ngày 18/7, các DN khẳng định đã sẵn sàng “ra quân” khi bão lũ xảy ra, với đầy đủ điều kiện về nhân lực, hàng hóa, phương tiện. Cụ thể, đã tập kết 100% lượng hàng với 6/6 mặt hàng dự trữ được UBND TP giao tại kho của DN và kho của nhà cung cấp, và tiếp tục tổ chức dự trữ thêm các mặt hàng cụ thể tùy năng lực từng đơn vị. Tổng số có 80 kho dự trữ hàng (Hapro 60 kho, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc: 2 kho, Công ty Lan Chi: 16 kho, Công ty CP Sản xuất & Thương mại An Việt: 9 kho), đang được bố trí ở những khu vực thuận tiện giao thông khi cần điều phối. Các DN cũng đều thành lập Ban Chỉ đạo PCLB thường xuyên túc trực, theo sát diễn biến phức tạp của thời tiết, chỉ đạo kịp thời khi có thiên tai, bố trí các đội xung kích và phương tiện cần thiết. Tại thời điểm kiểm tra của đoàn công tác liên ngành ngày 18/7, một số DN đang nhập bổ sung hàng vào kho dự trữ, các siêu thị cam kết cung cấp liên tục đủ lượng hàng phục vụ người dân. Các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định giá bán do các DN đều đã ký hợp đồng trước với nhà cung cấp.

Hỗ trợ tối đa

Chia sẻ về những khó khăn của DN, ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty CP Sản xuất&Thương mại An Việt cho biết: Cái khó nhất là đảm bảo chất lượng hàng, DN không thể mang hàng gần hết “date” (hạn sử dụng) đem ra cứu trợ. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên phải đảo “date”, đảm bảo còn ít nhất 1/2 hạn sử dụng. DN mong muốn được ứng vốn dài hơi hơn, vì thực tế TP cho tạm ứng vốn đến hết tháng 11, sau đó, DN chỉ có một tháng để giải quyết hàng tồn là không dễ chút nào. Ngoài ra, về phương tiện vận chuyển, DN cũng đang gặp khó vì chỉ được cấp phép trong 3 tháng.

Ngày 18/7, trong buổi khảo sát thực tế tại các DN tham gia chương trình dự trữ hàng hóa PCLB năm 2014, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Phương Lan - Phó trưởng Ban Cứu trợ của TP cho rằng: Sở Tài chính cần lưu ý đề xuất của các đơn vị về việc giãn thời gian hoàn vốn, vì tùy thực tế bão lũ từng năm, lượng hàng dự trữ có thể tăng, giảm khác nhau. “Năm nay nếu có biến động, cần thêm thời gian, DN nên kiến nghị bằng văn bản cụ thể gửi TP, song song với việc báo cáo chi tiết theo từng tháng. Mong DN nêu cao hơn nữa trách nhiệm với xã hội và cũng là thể hiện uy tín của mình” - bà Lan nói.

Về tình hình cụ thể, lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị các DN dự trữ hàng hóa phong phú hơn, không nên tập trung quá nhiều vào mỳ tôm mà nên phân bố hợp lý sang các mặt hàng ăn liền khác để phù hợp điều kiện mưa bão. Đặc biệt, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng VSATTP, không thể để quá “date” ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Ngoài ra, phương tiện vận chuyển nên phân bố về nhiều khu vực, tránh khi xảy ra úng ngập thì không kịp di chuyển.q(Ảnh: Linh Chi) Theo ghi nhận tại các siêu thị ngày 18/7, hàng hóa bày bán dồi dào, các mặt hàng khô dự trữ tại kho với số lượng lớn. Các chợ đầu mối Long Biên, Văn Quán, Minh Khai, đầu mối phía Nam và một số chợ dân sinh lớn, số lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu không biến động lớn, dù lượng người mua sắm có tăng do tâm lý lo ngại giá thực phẩm sẽ tăng cao sau mưa bão.