Tuy nhiên, đối tượng chính là các doanh nghiệp (DN) đón nhận thông tin này khá thờ ơ vì không ít trong số họ đã gần như vô cảm do lãi suất có giảm thì họ vẫn không dễ tiếp cận.
Người gửi tiền không bất ngờ
Sáng 26/3, các ngân hàng đều đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng giảm, trong đó lãi suất kỳ hạn 1 - 12 tháng hầu như ở mức kịch trần 7,5%/năm. Tại Eximbank, AB bank, PG bank…, lãi suất kỳ hạn 1 - 12 tháng ở mức 7,5%/năm.
Giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, duy trì sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất đồ gia dụng tại Công ty CP Kim khí Thăng Long.Ảnh: Huy Hùng
Các kỳ hạn trên 12 tháng dao động từ 9,8 - 10,5%/năm. Với kỳ hạn trên 12 tháng, các ngân hàng được phép thỏa thuận lãi suất với khách hàng, nhưng do lãi suất huy động kỳ hạn ngắn đã giảm nên nhiều ngân hàng cũng có những điều chỉnh giảm tương ứng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại một Phòng giao dịch Ngân hàng Oceanbank trên phố Láng Hạ, lượng khách gửi tiết kiệm tại đây vẫn bình thường. Nhiều khách hàng tỏ ra không bất ngờ khi nhân viên ngân hàng thông báo giảm lãi suất huy động.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hạ lãi suất là điều cần thiết, nó sẽ làm giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh của DN. Tuy nhiên, việc quan trọng trong giai đoạn hiện nay là vốn phải đến được với DN. Điều này đòi hỏi các ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong tiếp cận vốn. Bản thân DN cũng cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn và chiến lược kinh doanh để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới.
DN mong “nới” điều kiện cho vay
Việc giảm lãi suất huy động lần này được kỳ vọng là cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất cho vay và chia sẻ khó khăn với DN.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, nhiều DN nhỏ và vừa hiện vẫn phải vay với mức lãi suất trên 15%/năm. Chỉ một số ít DN lớn mới tiếp cận được mức lãi suất từ 10 - 12%/năm.
Ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh HDbank Hà Nội.Ảnh: Trần Việt
Khi lãi suất huy động giảm, hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm theo. "Song giảm lãi suất là một chuyện, còn tiếp cận vốn với lãi suất đó được hay không lại là chuyện khác. Việc tiếp cận vốn vẫn là vướng mắc lớn nhất của DN hiện nay, nhất là những DN nhỏ và vừa càng khó khăn về tài sản đảm bảo" - ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội nhấn mạnh.
Chia sẻ với quan điểm này, ông Phạm Hữu Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kim khí Thăng Long cho biết: Ngân hàng nói giảm lãi suất huy động thì sẽ tạo điều kiện giảm được lãi suất cho vay, giảm khó khăn cho DN nhưng đằng sau chuyện giảm lãi suất còn rất nhiều điều kiện đi kèm. Không phải DN muốn là vay được ngay…
Điều kiện khó như vậy, lại cộng với thị trường hiện chưa được cải thiện đáng kể, hàng hóa tồn kho vẫn lớn,… nên DN chỉ mong muốn duy trì ổn định mà không còn mặn mà với việc vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh trong lúc này. "Chính sách lãi suất chừng mực nào đó, mới chỉ có lợi cho một số DN nhất định. Để khuyến khích DN vay vốn trong lúc này, các cơ quan chức năng và ngân hàng nên ngồi lại bàn giải pháp "nới" thêm các điều kiện cho vay sao cho cởi mở hơn" - ông Hùng nói.
Còn theo lãnh đạo một DN trong ngành xuất, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, cùng với điều kiện cho vay thuận lợi hơn, lãi suất cho vay cần nhanh chóng giảm về dưới 10% ngay trong quý III/2013 mới giúp DN có khả năng khắc phục khó khăn trong thời gian sớm nhất.
Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mới được JP Morgan công bố cho thấy, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất khoảng 1 - 2% trong cả năm 2013.Đại diện Ngân hàng ANZ cho biết, trong năm 2013, lãi suất còn có thể sẽ giảm thêm 1% để hỗ trợ cho các DN khi những số liệu kinh tế chưa cải thiện. |