Thương hiệu quốc gia giúp DN lớn mạnh
Thông tin từ Hội đồng Thương hiệu quốc gia tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng (ngày 20/4) cho thấy, quan niệm Thương hiệu quốc gia không chỉ gắn với sản phẩm và DN mà còn xây dựng hình ảnh về một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú chất lượng cao. Hơn 80 quốc gia trên thế giới đang tiếp cận, hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho quốc gia mình. Ở Việt Nam năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình hành động cụ thể, qua đó nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất thô. Chương trình cũng nhằm tăng cường nhận biết của người tiêu dùng về hàng Việt Nam chất lượng cao, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư và du lịch, khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Hiện có 3 cấp độ trong việc xây dựng Thương hiệu quốc gia. Đối với DN gắn với từng sản phẩm, dịch vụ cụ thể; ở cấp độ địa phương là việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề gắn với chỉ dẫn địa lý, điểm đến du lịch tại địa phương... Ở cấp độ quốc gia gắn với 3 vấn đề chính là thương hiệu, ngành hàng, nhóm hàng. TS Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Ban cố vấn chương trình Thương hiệu quốc gia phân tích: Hiện có 2 hướng chính xây dựng Thương hiệu quốc gia là, xây dựng Thương hiệu quốc gia là một tập thể và quan niệm Thương hiệu quốc gia là giấy chứng nhận. “Xây dựng Thương hiệu quốc gia là một tập thể, nghĩa là chọn lĩnh vực tiêu biểu để định vị trong khi xây dựng bộ tiêu chí, khuôn khổ đáp ứng và chấp nhận đây là thương hiệu có uy tín trên thị trường. Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, và Nhật Bản đi theo con đường này. Theo tôi, cách đi này là phù hợp khi Việt Nam mới gia nhập kinh tế thị trường chưa lâu, DN chưa nắm được vấn đề Thương hiệu quốc gia” - ông Nguyễn Quốc Thịnh nêu ý kiến.
Không đơn thuần chỉ là tôn vinh
Mặc dù thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia, Chính phủ đã hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, nhưng hiện thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ những bất cập lớn như bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa; vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;… Kết quả cuộc khảo sát 147 lãnh đạo DN nhỏ và vừa được chương trình Thương hiệu quốc gia thực hiện cho thấy trong số 147 người trả lời chỉ có 9 người biết đến Thương hiệu quốc gia và trong 9 người chỉ có 1 người hiểu đúng và 8 người cho rằng chương trình chỉ là chương trình trao giải thưởng; 147 người không biết thủ tục đăng ký tham gia chương trình.
Nguyên nhân do DN vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của thương hiệu, một yếu tố quyết định sự sống còn của DN, đồng thời không có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Điều này đã khiến người tiêu dùng nước ngoài không biết đến hoặc biết không đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam. “Khi người tiêu dùng được hỏi có biết về sản phẩm của Việt Nam không, họ chỉ biết Phở 24 và Vinacafe. Đối với các sản phẩm đang xuất khẩu và bày bán tại các siêu thị nước ngoài như cá tra, cá ba sa không ai biết sản phẩm này do DN Việt Nam nào xuất khẩu, nếu có một DN làm ăn chụp giật, ngay lập tức họ cho rằng tất cả DN Việt Nam làm ăn chụp giật” - TS Nguyễn Quốc Thịnh nêu ví dụ.
Nhằm khắc phục những bất cập này các chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, tổng thể về việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam. Trong đó cần lựa chọn một số sản phẩm, ngành sản xuất mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng phát triển, từ đó có cơ chế, chính sách đặc thù. Quan trọng hơn cả muốn xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn nữa đến người dân, DN thông qua các cơ quan báo chí. Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền thương hiệu quốc gia có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thương hiệu quốc gia. Vì tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết phải phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập là hình thức; giáo dục ý thức tự tôn, lòng tự hào, tự trọng của dân tộc; đấu tranh chống tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ hàng Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt giới thiệu mặt hàng tại Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp ở Hà Nội. Ảnh: Thường Lệ
|