Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp vẫn phải tự thân vận động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong thời gian qua, để giải phóng hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đẩy mạnh việc đưa hàng vào phục vụ thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do chưa tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nội địa chưa được chú trọng, nên nhiều DN đã gặp không ít khó khăn.

Thiếu mặt hàng người dân cần

Từ tháng 4/2012 đến nay, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức hơn 200 chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt tại các huyện, khu công nghiệp. Những chuyến hàng này đã có tác dụng nhất định trong việc đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong cơ cấu hàng hóa của các DN tham gia chương trình mới chỉ giới thiệu những sản phẩm DN đang có, chưa chú trọng những mặt hàng người dân cần. Tại phiên chợ hàng Việt tổ chức ở huyện Quốc Oai, nhiều người dân phản ánh: Đa phần là hàng công nghệ, những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như bát đũa, bóng đèn thắp sáng, văn phòng phẩm phục vụ học sinh hầu như không bày bán.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) cho rằng, việc hàng Việt chưa thực sự chiếm được cảm tình của người tiêu dùng còn do hoạt động XTTM chưa được chú trọng. Hiện không có nhiều DN quảng bá sản phẩm tại thị trường nội địa khiến người tiêu dùng thiếu thông tin về chất lượng hàng hóa, dẫn đến tâm lý e dè khi lựa chọn hàng Việt. Tuy nhiên, nhiều DN sản xuất, phân phối phản ánh, không phải DN không muốn đẩy mạnh hoạt động XTTM nội địa nhưng hiện việc triển khai gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Năm 2009, mức hỗ trợ từ ngân sách chỉ khoảng 50 tỷ đồng cho hoạt động này, nhưng  năm 2013 kinh phí cho cả chương trình XTTM trong và ngoài nước chỉ chưa tới 40 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vẫn phải tự thân vận động - Ảnh 1

Doanh nghiệp cần quan tâm đến thị hiếu người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Trong ảnh: Người dân mua hàng trong Hội chợ hàng Việt tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, qua tiếp thu ý kiến của người tiêu dùng cho thấy, hàng Việt muốn có bước tiến phải đa dạng mẫu mã, sản xuất sản phẩm cho mọi phân khúc, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng... 

Đổi mới cách làm

Để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường nội địa, DN cần xây dựng những chương trình XTTM cụ thể, đó nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nêu kinh nghiệm: Nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa người dân, Hapro liên tục tổ chức các chương trình XTTM nội địa thông qua các chuyến đưa hàng về nông thôn. Hiện, Hapro đang xây dựng hệ thống bán lẻ tại các huyện theo hướng cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng bán lẻ, các chợ. Mô hình này không chỉ tiêu thụ hàng hóa cho DN mà còn có tác dụng hỗ trợ DN trong việc nắm bắt nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho rằng, muốn hàng Việt được người tiêu dùng yêu thích thì chính bản thân DN phải đổi mới cách thức tiếp cận từ những việc nhỏ nhất như chọn mặt hàng để bán, hình thức thanh toán… "Khảo sát tại các chợ, sạp hàng cho thấy cơ chế giao hàng của DN Việt là nhận tiền, giao hàng, trong khi đó, nếu bán sản phẩm của một số nước trong khu vực thì được nợ tiền cả năm. Nếu DN không tin tưởng người bán hàng, thì rất khó đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng", bà Loan nói.

Điều đó cho thấy, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường nội địa, bên cạnh việc đổi mới mẫu mã sản phẩm DN và các bộ, ngành chức năng cần hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động XTTM, từ đó dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Nhằm hỗ trợ DN trong hoạt động XTTM, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các DN trong việc triển khai nhiều loại hình hội chợ; Đẩy mạnh hoạt động kết nối hệ thống phân phối trên toàn quốc, từ đó tổ chức các sự kiện như Tuần - Tháng bán hàng Việt có thưởng, khuyến mại... tạo thành một sự kiện chung có quy mô toàn quốc, thay vì từng DN phải tự đứng ra tự tổ chức các chương trình quảng cáo, khuyến mại như hiện nay.