Sáng 27/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat đã đồng chủ trì hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào diễn ra tại TP Đà Nẵng.
Ông Xổm Đi Đuông Đi (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Lào) cho hay Lào rất hài lòng và đánh giá cao sự đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam ngày càng tăng. Điều này đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao tay nghề, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án do doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư tại Lào còn chậm trễ, kéo dài như một số dự án trồng cao su, thủy điện. Trong khi đó có một số dự án có hiện tượng chuyển nhượng.
Việt Nam có 258 dự án tại Lào
Theo ông Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Lào, chính phủ Lào đang tích cực cải cách hành chính, giảm thủ tục cho các DN, trong đó sẽ giảm ba giấy phép con trong đầu tư và triển khai một cửa liên thông. Đặc biệt, tới đây sẽ cho phép được nhập khẩu 20% số lao động làm tại các dự án mà nhà đầu tư đầu tư tại Lào. Lào cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam thẩm định vấn đề tài chính của các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Lào để các dự án được triển khai đảm bảo.
Hội nghị dưới sự chủ trì của phó thủ tướng hai nước Việt Nam - Lào. Ảnh: LÊ PHI
|
Ông mong muốn các DN Việt Nam vào Lào đầu tư các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), thì cho hay năm năm qua Việt Nam có 258 dự án với tổng số vốn đầu tư 5,3 tỉ USD vào Lào. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ ba đầu tư tại Lào. Các DN Việt Nam hằng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước Lào 250 triệu USD và bỏ ra 70 triệu USD để thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại Lào.
Ông Trần Bắc Hà cho rằng hiện tại Lào có tới 41 tổ chức tín dụng, trong đó có sự góp mặt của năm ngân hàng Việt Nam với tổng tài sản 11,4 tỉ USD. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà cho hay với một đất nước như Lào mà có tới 41 tổ chức tín dụng là quá nhiều.
Ông Hà cũng cho rằng chính phủ và các địa phương của Lào cần xem xét lại việc đường đột rút giấy phép một số dự án mà DN Việt Nam đã hoàn thành tới 80% khối lượng nhưng không hề thông báo cho phía Việt Nam. Việc làm này tạo tâm lý lo lắng.
Ông Hà cũng đề xuất sau hội nghị này thì cần nâng tầm chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào sẽ do Chính phủ đảm nhận.
Cao su từ 100 triệu hiện chỉ còn 25 triệu/tấn
Ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cho rằng việc hiện tại Lào chỉ cho phép nhập khẩu 10% lao động nước ngoài tạo rất nhiều khó khăn cho các dự án của tập đoàn tại đây. Bởi thực tế lao động người Lào tính kỷ luật không cao, thường nghỉ mùa lễ hội dài ngày nên ảnh hưởng đến sản xuất.
Cũng theo ông Đức, sở dĩ một số dự án trồng cao su ở Lào còn chậm trễ là vì cao su đang mất giá thê thảm nên phải tính toán. Bài toán tiếp tục triển khai dự án trồng cao su tiếp hay không, hay trồng tại thời điểm nào thì cần cân nhắc và mong muốn chính phủ Lào hỗ trợ DN.
Ông Đức đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ lãi vay và đề nghị chính phủ Lào giảm đánh thuế (hiện thuế suất Lào đánh cao), cho phép được đưa lao động có tay nghề từ Việt Nam sang khi cần để phục vụ sản xuất.
Trước các đề xuất, kiến nghị, Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat cho biết sẽ có hướng giải quyết trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Lào cũng lưu ý các DN Việt Nam có thể tăng cường đầu tư thêm về y tế, du lịch vào Lào. Bên cạnh đó là các dự án về nông nghiệp xanh, bền vững.
Cũng theo ông Trần Bắc Hà (Chủ tịch AVIL), chính phủ Lào và Việt Nam cần có những giải pháp, phối hợp để quản lý tốt hơn dòng chính sông Mê Kông để cùng bảo vệ nguồn nước tốt hơn. Bởi theo ông Trần Bắc Hà, năm 2016 nếu tiếp tục diễn ra tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên sẽ làm giảm 1,5% GDP của Việt Nam. |