Thách thức từ Cách mạng công nghệTrong thời gian gần đây Việt Nam có rất nhiều cá nhân và đơn vị với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng là những người có hoàn cảnh đặc biệt: người khuyết tật, người HIV/AIDS, đồng bào vùng sâu, vùng xa... nhưng lại tổ chức hoạt động theo mô hình sản xuất, kinh doanh và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp. Tạo cơ hội hòa nhập xã hội cho các cá nhân và cộng đồng yếu thế thông qua các chương trình đào tạo phù hợp để tạo cơ hội việc làm. Các DNXH còn đưa ra các giải pháp mới cho những vấn đề xã hội như biến đổi khí hậu, năng lượng thay thế, tái chế...
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong kỷ nguyên chuyển đổi số (Digital Tranformation) làm thay đổi tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên thế giới và doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, đa phần lao động trong các DNXH là những người hạn chế về trình độ về khoa học công nghệ.
Ông Trần Mạnh Huy – Tổng Giám đốc Cty CP VBPO (Hải Châu – Đà Nẵng) cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xã hội, ta hay nghe đến câu chuyện người máy, hay robot thay thế con người. Khi muốn phát triển doanh thu các doanh nghiệp xã hội phải tăng số lượng người làm, nhưng các doanh nghiệp khác thì không cần phải sử dụng nhiều lao động nữa.
Bên cạnh đó DNXH lại gặp sức ép về tăng trưởng thu nhập cho lao động, trong khi bản thân sản phẩm của các DNXH thì gần như không có sự gia tăng về giá trị (không thể bán với giá cao hơn).
Bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc Trung tâm sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho rằng, Thế giới đã trải qua 3 cuộc “đại cách mạng công nghiệp” trước khi bước vào cuộc cách mạng công nghệ số (Cách mạng công nghiệp lần thứ 4) mỗi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra đều đưa loài người đứng trước những thách thức, nhưng nó lại trở thành bước đệm cho một quá trình phát triển cao hơn.
Thay đổi để thích nghi“Là một DNXH những chúng tôi lại chuyên về lĩnh vực phần mềm, nên những thay đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0 chúng tôi hoàn toàn có thể thích ứng được. Tuy nhiên, để thích nghi với làn sóng mới chúng tôi cũng đã dự đoán trước và có kế hoạch, vài năm trước đây chúng tôi đã tổ chức một nhóm 10 Tiến sĩ chuyên về lĩnh vực này làm việc trực tiếp tại công ty để xây dựng những đề án, những kế hoạch hoạt động trong các giai đoạn” ông Trần Mạnh Huy – Tổng Giám đốc Cty CP VBPO chia sẻ.
Đa phần lãnh đạo các DNXH đều cho rằng, việc đưa cộng đồng những người yếu thế vào một quy trình làm việc đã khó, nhưng việc đào tạo họ để có tay nghề lại càng khó khăn hơn và yêu cầu phải có sự kiên trì từ người sử dụng lao động. Một số DNXH có thể sử dụng những lao động có hoàn cảnh đặc biệt đã qua đào tạo nên dễ thích ứng với những thay đổi của khoa học công nghệ; nhưng vẫn còn không ít các doanh nghiệp vẫn đang sử dụng lao động là những người yếu thế có trình độ học vấn thấp, vậy họ đã thích nghi với việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành thế nào?
Ông Nguyễn Tấn Bích – Giám đốc DNXH Solar Serve (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng) người đã có nhiều năm tham gia các hoạt động xã hội trước khi xây dựng mô hình DNXH sản xuất bếp đun bằng năng lượng mặt trời thay thế cho bếp củi, bếp rơm cho rằng, Đối tượng khách hàng của Cty hướng tới là những người nghèo ở vùng núi, trước làn sóng của Cách mạng công nghệ, tuy không phải chạy đua để đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất, nhưng bản thân doanh nghiệp này luôn có sự nghiên cứu để thay đổi về mẫu mã và công năng của sản phẩm.
“Cty đã kết hợp với các chuyên gia Nhật Bản trong việc chế tác ra những sản phẩm có công năng sử dụng tốt hơn. Tuy Cty không có phải ứng dụng công nghệ vào tất cả các hoạt động quản lý quy trình sản xuất, nhưng những công việc nào có thể tối đa hóa được việc ứng dụng công nghệ, tăng độ chính xác và hiệu quả thì chúng tôi luôn thích ứng và thay đổi” Ông Bích chia sẻ.
Ông Trần Mạnh Huy – Tổng Giám đốc Cty CP VBPO cho rằng, cho dù thế giới có trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp nữa thì nó cũng sẽ không làm mất đi những doanh nghiệp hoạt động xã hội, mà ngược lại các DNXH cũng sẽ có những bước chuyển mình để tìm ra những công việc mới, lĩnh vực mới có thể cân bằng được mục tiêu vì cộng đồng nhưng cũng giúp cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển để người lao động có thể sống tốt từ công việc của mình đang làm.