Kinhtedothi - Thời gian gần đây, báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn phản ánh của người dân tại thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) về tình trạng khai thác đất trái phép của Công ty CP Thương mại dịch vụ và Sản xuất Chiến Thắng (Công ty Chiến Thắng) diễn ra nhiều năm qua. Việc khai thác này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất nông nghiệp và gây mất an toàn đến hành lang đê sông Đuống. Tuy nhiên, đến nay, những sai phạm này vẫn không được chính quyền xử lý dứt điểm.
Ô nhiễm môi trường, xâm hại đê
Theo phản ánh của người dân địa phương, lợi dụng chủ trương của TP cho phép chuyển đổi công nghệ lò sản xuất gạch thủ công sang lò tuy - nen, Công ty Chiến Thắng trụ sở tại thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng tự ý khai thác hàng chục héc ta đất trái phép, xây dựng hơn chục lò gạch không phép trên đất bãi.
Khu vực hoạt động của Công ty Chiến Thắng nằm sát đê ngăn lũ sông Đuống, có mặt tại đây, phóng viên chứng kiến hàng loạt xe tải lớn chạy từ trên đê vào khu sản xuất, khiến đường bụi, đất bay mù mịt. Hoạt động diễn ra tấp nập khiến chúng tôi giật mình bởi mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến hành lang đê. Qua quan sát, nhiều hạng mục công trình đều xâm hại tới sự an toàn của đê điều như: Các lò gạch, trụ sở công ty, xưởng sản xuất gỗ, khu vực múc đất làm gạch… Nhiều hố sâu do công ty này múc đất rộng như ao, hồ; đáng chú ý, gần chân đê có khá nhiều hố rộng đã bị móc hết đất; khu vực trại chăn nuôi lợn cũng bị múc đất sâu khoảng 5 - 6m.
Các hộ dân sinh sống trong khu vực quanh đê sông Đuống cho biết thêm, sau nhiều kiến nghị, phía Công ty Chiến Thắng chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang hoạt động lò tuy - nen. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này kéo theo đó là hoạt động xây dựng và khai thác đất trái phép nhiều hơn, nên hành lang an toàn đê càng bị xâm hại nghiêm trọng.
Tiếp tay cho vi phạm?
Trong cuộc trao đổi với phóng viên về vụ việc nêu trên, ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, đã nắm bắt phản ánh của người dân trong xã, nhưng hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty Chiến Thắng đã được UBND huyện đồng ý về chủ trương.
Công ty Chiến Thắng đã đào hàng chục ngàn mét khối đất tại thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng để phục vụ sản xuất gạch. Ảnh: Lê Đạt
|
Khi đề cập đến thực trạng các lò gạch xây dựng trái phép thì ông Hưng né tránh, trả lời chung chung: Xã đã lập biên bản đối với những công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất của Công ty Chiến Thắng. Còn về giấy tờ và tài liệu phóng viên muốn biết cứ xuống Công ty cung cấp. Phóng viên tiếp tục hỏi: Với trách nhiệm quản lý, chính quyền địa phương đã ra quyết định đình chỉ đối với những công trình vi phạm chưa? Ông Hưng nói: Khoảng tháng 6 hay tháng 7/2014, UBND xã đã ra quyết định đình chỉ, tôi không nhớ rõ (?).
Trước những bức xúc của người dân địa phương, ông Trần Quyết Chiến - Giám đốc Công ty Chiến Thắng khẳng định: Lò sản xuất gạch tuy - nen đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng. DN phải hoạt động đúng quy định của pháp luật, không có chuyện khai thác đất trái phép... Lý giải về những hố sâu do bị múc đất, ông Trần Quyết Chiến cho biết, trước đây Công ty mua đất về đổ xuống những vùng trũng, nay múc lên để sử dụng...
Khi chúng tôi đề nghị cung cấp giấy phép xây dựng lò gạch, ông Chiến đưa ra một văn bản, tuy nhiên, đó chỉ là công văn của Sở Xây dựng gửi huyện Gia Lâm. Theo đó, ngày 19/8/2011, Sở Xây dựng có Văn bản số 5894/SXD-KTTH gửi UBND huyện Gia Lâm cho phép Công ty Chiến Thắng thực hiện dự án chuyển đổi lò sản xuất gạch thủ công sang lò sản xuất gạch thân thiện với môi trường... Ngày 5/1/2013, UBND huyện Gia Lâm có Văn bản số 06/UBND-QLĐT yêu cầu Công ty Chiến Thắng làm việc với Sở NN&PTNT, Hạt Quản lý đê số 6 và các cơ quan liên quan để được hướng dẫn và hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm kinh doanh, sản xuất gạch xây dựng nung theo công nghệ mới... Thế nhưng, sau thời gian dài, phía Công ty Chiến Thắng vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh sản xuất gạch nung theo quy định. Và trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục thì Công ty này vẫn ngang nhiên khai thác đất trái phép để sản xuất gạch (?).
Trong quá trình điều tra, tìm hiểu, phóng viên còn phát hiện thêm nhiều sai phạm xung quanh vụ việc này. Chính quyền các cấp huyện Gia Lâm có trách nhiệm như thế nào đối với những sai phạm? Đơn vị nào được UBND TP giao đất và việc sử dụng đất có đúng mục đích sử dụng hay không? Số tiền cho thuê đất rơi vào túi ai?... Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.