Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dốc toàn lực để hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại kỳ họp thứ tư vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội ra Nghị quyết về công tác tư pháp trong đó có giao cụ thể chỉ tiêu cho ngành THADS. Để đạt mục tiêu này, tại hội nghị triển khai công tác THADS 2013 diễn ra ngày 9/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã đặc biệt lưu ý “THADS phải dốc toàn lực để hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao”.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ thi hành án

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đánh giá cao những kết quả của công tác THADS 2012, trong đó nổi lên là sự vượt khó, sáng tạo, quyết liệt của cơ quan THADS địa phương trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Kết quả đó một phần lớn nhờ có sự trưởng thành hơn của đội ngũ cán bộ THA. Tuy nhiên, điều Thứ trưởng lo lắng đó chính là số án chuyển kỳ sau vẫn rất lớn (trên 229 ngàn việc). Con số này gây bức xúc trong xã hội và người dân, trong đó có những việc có thể thi hành nhưng vẫn chưa thi hành.

Vấn đề này, qua kiểm sát công tác THADS, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ 10, VKSNDTC cho biết thêm: Có nhiều vi phạm trong công tác THA, trong đó có việc phân loại án, án có điều kiện mà không hoặc chậm thi hành, nhưng khi VKS kiến nghị, THA lại không chấp nhận (tỷ lệ này năm 2012 tăng lên). Cũng theo ông Hùng, qua tổng kết của ngành kiểm sát có đến 114 vấn đề bất cập của THA, trong đó cơ bản là sự chồng chéo, “vênh váo” của hệ thống pháp luật hiện hành. “Cần sửa Luật THADS càng nhanh càng tốt, còn trước mắt cần ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thủ tục THADS”. Ông Hùng đề nghị.

Dốc toàn lực để hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự - Ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Là địa phương có lượng đơn thư trong lĩnh vực THADS khá nhiều, Cục trưởng THADS Tây Ninh Nguyễn Văn Hóa trăn trở “đến giờ vẫn chưa yên tâm vì công tác phân loại án” vì “năm 2012 lần nào Cục kiểm tra cũng có sai sót”. Ông Hóa đề nghị Bộ bổ sung biên chế cho Tây Ninh, đồng thời cho biết, để tạo chuyển biến cho công tác THADS trên địa bàn, Tây Ninh sẽ hực hiện mạnh mẽ việc luân chuyển cán bộ, tăng cường kiểm tra nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.

Còn ông Lê Tiến Châu, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị, ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó quan tâm xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ ngành khi thi hành nhiệm vụ. “ Hiện nay pháp luật quy định chưa rõ nên nhiều khi anh em “chùn” tay. Phải tạo ra cơ chế để anh em có “chỗ dựa”, ông Châu nói.

Xử lý vi phạm không được “dễ dãi, xuê xoa”

Trở lại công tác cán bộ của ngành, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính “vi phạm trong THA đáng lo ngại”. Năm 2012, có đến 69 trường hợp bị kỷ luật, tăng so với 2011, trong đó có 14 trường hợp bị xử lý hình sự. Trong nhiều vi phạm được chỉ ra, Thứ trưởng lưu ý nhất đến việc chi sai đối tượng lên tới nhiều tỷ đồng. “Hơn hết làm THA là phải tôn trọng quyền lợi hợp pháp của dân, bảo đảm luật pháp phải được thực hiện một cách nghiêm minh, bởi “Tòa xử còn có phúc thẩm, giám đốc thẩm, THA mà sai là sai ngay, rất khó khắc phục”.

Tại kỳ họp thứ tư vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội ban hành Nghị quyết về công tác tư pháp, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể cho THADS, vì thế trọng trách của ngành THA trước Quốc hội, trước cử tri cả nước là rất lớn lao. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính yêu cầu ngành phải động viên tất cả nguồn lực, huy động sức lực, trí tuệ, đoàn kết nội bộ anh em trong ngành, đồng thời tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ngành hữu quan để làm tốt công tác THA. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực THADS; tăng cường công tác kiểm tra giám sát.

Đặc biệt, trong công tác cán bộ, Thứ trưởng yêu cầu “phải đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm, không được dễ dãi, xuê xoa với những trường hợp vi phạm”. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được chỉ ra trong báo cáo công tác THADS trước đó. Bởi năm 2013 này, là năm “tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong toàn ngành, gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW IV, cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và đặc biệt là “năm chuẩn mực đạo đức cán bộ ngành Tư pháp”.

Ông Nguyễn Tiến Pháp, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh: “Hoạt động của Thừa phát lại đạt nhiều kết quả nhưng cũng gặp khó khăn do thể chế chưa hoàn thiện, nhất là sự phối hợp của các tổ chức tín dụng với Văn phòng thừa phát lại trong xác minh tài khoản. Vì vậy tôi đề nghị bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động của Thừa phát lại đến đội ngũ cán bộ công chức có mối quan hệ phối hợp với thừa phát lại và người dân. Tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ thừa phát lại…”