Hầu như tháng nào Ban Tình nguyện, Đoàn thanh niên Đại học Ngoại thương cũng tổ chức một hoạt động tình nguyện mang lại lợi ích cho cộng đồng, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Họ được ví như những chiến binh với đôi chân không biết mệt mỏi.
Một năm, Ban Tình nguyện tổ chức khá nhiều hoạt động tình nguyện, trong đó có hai chương trình lớn và thường niên là “Mùa hè xanh” và “Trăng rằm tỏa sáng”. Ngoài ra, còn các chương trình tình nguyện theo tháng như: tháng 1 - Tết yêu thương, tháng 12 - Đông ấm (tặng cơm, bánh chưng, quần áo ấm cho người vô gia cư vào buổi đêm), tháng 7 - tri ân các bác cựu chiến binh…
Ngay trong quý 1/2017, Ban Tình nguyện, Đoàn Thanh niên trường Đại học Ngoại thương đã chọn điểm đến là khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để tiếp tục hành trình sẻ chia yêu thương. Chương trình “Tết yêu thương – tết cho em” đã mang đến cho bệnh nhi ở đây một cái Tết tràn ngập niềm vui. Tình yêu thương của các thành viên trong ban đã phần nào giúp các em xua đi đau đớn của bệnh tật.
Các thành viên Ban Tình nguyện, Đoàn thanh niên tường Đại học Ngoại thương mang niềm vui tới các em nhỏ ở làng Hữu Nghị. |
Trước đó, trong tháng 11, chương trình Tình nguyện Suối nguồn yêu thương đã được tổ chức tại làng Hữu Nghị (Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Từ sáng sớm, các tình nguyện đã có mặt ở làng Hữu Nghị dọn vệ sinh, thăm hỏi và dạy nhảy dưỡng sinh cho các bác cựu chiến binh. Không khí làng Hữu Nghị càng trở nên sôi động hơn khi các tình nguyện viên cũng tổ chức giao lưu văn nghệ tặng quà cho các em nhỏ bị chất độc da cam.
“Kỉ niệm đẹp nhất chúng mình nhận được từ chương trình này là lúc ngôi nghe các bác cựu chiến binh kể về cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta. Những trận đánh, tình yêu và cả nỗi đau… càng khiến chúng mình thêm khâm phục người lính và tự hào về dân tộc. Một niềm vui khác là chúng mình đã khiến các em nhỏ quên đi khuyết tật của bản thân để hòa mình vào các bài hát, điệu nhảy flashmob sôi động” – Nguyễn Hữu Chiến, Phó ban Tình nguyện chia sẻ.
Để có kinh phí tổ chức các hoạt động dày đặc, các thành viên trong ban đã rất sáng tạo trong việc gây quỹ. Họ đã tổ chức chương trình gây quỹ mang tên “Phía sau một đôi tất” bằng cách liên hệ với các đầu mối ở Hà Nội để bán tất; Mùng 8/3 kinh doanh bán hoa và kẹo và nhận luôn dịch vụ ship tận nơi. Ngoài ra, họ còn đặt bàn quyên góp, bán tranh, táo, cam đường, làm mứt dừa… phục vụ sinh viên trong trường.
Các hoạt động được tổ chức liên tục nên khó khăn lớn nhất đối với mỗi thành viên là việc cần bằng thời gian học tập và tình nguyện. “Rất nhiều lần chúng mình phải làm việc đến 22, 23 giờ đêm mới trở về phòng. Vất vả nhất khi các chương trình tổ chức trùng với kì thi hết môn. Mỗi lần như vậy các thành viên đều phải căng sức ôn thi và chuẩn bị cho chương trình. Tuy nhiên, những vất vả ấy luôn được đền bù xứng đáng khi chúng mình mang lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn” – Mai Ngọc chia sẻ.
Một điểm đặc biệt khác là các thành viên trong Ban Tình nguyện đều là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai. Có những bạn trước đó rất ít được đi tình nguyện, chưa bao giờ được lên kế hoạch tổ chức một chương trình. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của các anh chị đi trước họ đã tạo nên những chương trình ý nghĩa, giàu cảm xúc và tình yêu thương.
“Nhiều người nghĩ rằng hoạt động tình nguyện thật nhàm chán, chỉ là “vác tù và hàng tổng” nhưng đến với Ban Tình nguyện chúng mình được học rất nhiều kĩ năng. Đây thật sự là những điều các bạn sinh viên khi vừa bước và ngưỡng cửa đại học rất cần. Đó là cách lên kế hoạch và chạy chương trình, đi tiền trạm, các thuyết phục các nhà tài trợ… Đôi khi chúng mình phải chịu áp lực công việc nhưng đây là những buổi tập dược để sau này ra trường mọi người không bỡ ngỡ và cứng rắn vượt qua các khó khăn, thử thách lớn hơn” – một thành viên của Ban tình nguyện chia sẻ.
Nhờ những hoạt động tình nguyện mà các thành viên được đi nhiều nơi, gặp nhiều mảnh đời khó khăn. Ở đó, họ biết được mình vẫn còn rất may mắn và cần phải trân trọng cuộc sống, sống tích cực hơn và bớt than vãn. Đó cũng là lí do, họ vượt qua áp lực tổ chức hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
“Làm nhiều nhưng với mỗi chương trình chúng mình luôn đặt ra câu hỏi “mình làm được gì cho họ”. Câu hỏi này luôn thường trực từ khi làm kế hoạch đến lúc chạy chương trình. Vì vậy, chúng mình luôn cố gắng làm sao chương trình phù hợp, thiết thực nhất với các đối tượng mà Ban Tình nguyện hướng tới” – Hữu Chiến chia sẻ..