Trong khi lãnh đạo ngành cho rằng thiếu tiền, không có nhà đầu tư, không có đối tượng cạnh tranh thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nặng lên ngành đường sắt. Lấy gì chứng tỏ tư tưởng bao cấp vẫn còn nặng? Lấy chuyện chuyển hay không chuyển ga Hà Nội ra ngoại thành thì sẽ rõ.
Ga Hà Nội (tên trước là ga Hàng Cỏ) là nhà ga trung tâm do Pháp xây dựng đã trên 100 năm nay. Nghĩa là một chứng tích lịch sử tiêu biểu của Hà Nội. Nhưng từ nhiều năm nay ga Ha Nội đã bộc lộ không ít hạn chế. Thậm chí, đã có lúc dư luận và báo chí rộ lên đòi di dời ga Hà Nội ra ngoại thành, nhưng vì vướng chuyện không có tiền, lại thôi. Thứ nhất về mặt vận chuyển đường sắt, nhà ga ở giữa TP đang đông dần, tàu phải đi qua nhiều tuyến phố đông dân, hành lang rất hẹp thường bị lấn chiếm làm nơi họp chợ, sinh hoạt, hàng trăm đường dân sinh, không người gác, không đèn đỏ và rào chắn, rất dễ xảy ra tai nạn chết người. Đường tàu còn cắt ngang nhiều tuyến phố lớn, giao thông nhộn nhịp như Cửa Nam, Khâm Thiên, Trần Phú dễ gây tai nạn và ách tắc giao thông. Có người bàn đến cải tạo hành lang an toàn cho nhà ga, nói thì dễ nhưng làm phải mất hàng nghìn tỷ đồng, bằng ngân sách di dời nhà ga mà chưa chắc đã giải quyết được vấn đề.
Chuyện đường đã đành, nhà ga từng xây dựng hàng trăm năm trước, hồi chưa có đèn điện và tàu còn chạy bằng máy hơi nước đốt than, lại qua nhiều lần bị thu hẹp, lấn chiếm, việc xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất hiện đại như bơm tiêu nước, nhà vệ sinh, bể nước cứu hỏa, bãi ngầm đỗ xe, thiết bị thông tin… rất khó khăn, có thể nói là không làm được. Ga Hà Nội trở thành nơi ô nhiễm môi trường sống nặng nề giữa lòng thành TP, không thể khắc phục được, nếu không rời đi. Ngoài việc vận chuyển và xây dựng hiện đại, nhà ga còn nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự... Những hạn chế trên đang gây những ảnh hưởng xấu tới chủ trương xây dựng một TP du lịch, xanh - sạch - đẹp. Để có nhà ga như hiện nay, ngành công an, quản lý thị trường, nhóm tự quản phường… phải chi ra mỗi năm hàng ngàn ngày công, thành lập nhiều tổ nhóm đặc nhiệm vẫn không xuể.
Ngày nay Hà Nội đã khác và nói chung, giao thông đã khác. Từ ngoại ô, hàng chục đường sắt đô thị hướng vào trung tâm sẽ giải quyết cho hành khách mỗi khi tàu về. Đường bộ và đường sắt, đường không sẽ hỗ trợ nhau nếu chúng ta bố trí hợp lý nhà ga đường sắt mới, chẳng hạn như khu vực Gia Lâm như đã từng dự kiến.
Từ thực tế này, dời ga Hà Nội ra ngoại thành hiện nay là cần thiết và là đột phá khẩu với ngành đường sắt nếu muốn xóa bỏ nếp làm ăn cũ, cùng ngành giao thông- vận tải phát triển.