Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòi hỏi kỷ cương, trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã thấy rõ nhiều lợi ích từ việc bỏ chứng thực, nhưng thực tế cho thấy vẫn có rất ít nơi mặn mà thực hiện. Kiên quyết hơn, trách nhiệm hơn - đó là đòi hỏi đối với mỗi cơ quan, đơn vị để chống tình trạng "lạm phát" chứng thực.

Tăng đối chiếu, giảm chứng thực

Cụ thể hóa công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), vừa chống lãng phí, tiết kiệm cho Nhà nước, cho người dân, nên ngay từ năm 2012, UBND huyện Từ Liêm đã yêu cầu cán bộ tiếp nhận hồ sơ hành chính tăng cường đối chiếu bản sao hồ sơ với bản gốc, giảm công chứng, chứng thực để giảm thời gian, công sức và chi phí thực hiện TTHC của tổ chức, công dân cũng như chính các cơ quan hành chính. Để "thêm sức nặng", huyện cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn khi tiếp nhận hồ sơ trong nội bộ huyện không bắt buộc công chứng. Việc ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho bộ phận một cửa cũng như chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tại bộ phận một cửa được huyện triển khai đúng quy định, đảm bảo yêu cầu công việc, được Nhân dân đánh giá cao. Chỉ "động tác" nhỏ này thôi cũng tiết kiệm được rất nhiều. Tính riêng trong quý IV/2012, nhờ áp dụng tốt quy định này đối với khoảng 54.000 hồ sơ hành chính trên toàn huyện đã giúp giảm tải 1,8 tỷ đồng chi phí về thời gian cho công dân, chưa kể phí, lệ phí phải trả và chi phí để bố trí cho cán bộ thực hiện.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở UBND quận Nam Từ Liêm.         Ảnh: Hải Linh
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa ở UBND quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Hải Linh
 
Đến nay, quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm vẫn duy trì được nền nếp này, chủ yếu để tạo thuận lợi cho người dân. Bà Trần Thanh Thủy - phụ trách bộ phận "một cửa" của UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, khi người dân đến chứng thực, sẽ hướng dẫn cụ thể, nếu là giấy tờ giao dịch trên địa bàn sẽ không phải chứng thực, mà chỉ cần bản phô tô và cán bộ kiểm tra, đóng dấu "đã đối chiếu bản chính" là được. 

Tuy nhiên, đối với những trường hợp đến các phường, hay "một cửa" của quận để làm chứng thực phục vụ công việc ở nơi khác, cán bộ vẫn phải tiếp nhận và xử lý. Vì thế, từ tháng 4/2014 đến nay, vẫn còn trên 5.000 hồ sơ đến chứng thực tại đây. Do vậy, nếu không triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ quan, đơn vị, hiệu quả sẽ rất thấp. 

Sớm chấm dứt lạm dụng chứng thực

Để chấn chỉnh tình trạng"lạm phát" chứng thực này, ngày 20/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC. Theo đó, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền nội dung của Nghị định 79 về quyền của các cá nhân, tổ chức khi trực tiếp thực hiện TTHC thì các giấy tờ trong thành phần hồ sơ có thể là bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu. Khi cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện TTHC nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính, chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực. Chỉ thị cũng yêu cầu UBND các tỉnh thành phải tăng cường kiểm tra cách thức tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương để kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực giấy tờ, văn bản trái với quy định của Nghị định 79...

Nói rõ hơn về việc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã phải đăng đàn khẳng định: "Nếu người dân đã photocopy bản chính rồi để mang đến chứng thực, người dân có trách nhiệm xuất trình bản chính ra, người tiếp nhận hồ sơ phải tự kiểm tra đối chiếu với bản chính và có trách nhiệm phải ký xác thực chứng thực bản chụp đó phù hợp với bản chính, đó là trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của công chức, viên chức, cán bộ. Nhưng nếu yêu cầu người dân không chấp nhận bản photocopy do người dân mang đến, yêu cầu photocopy tại cơ quan mình về nguyên tắc tôi khẳng định là sai so với quy định".

Cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/7/2014, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 4818/UBND - NC về việc "Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC". Tiếp đó, ngày 9/7/2014, Sở Tư pháp có văn bản số 1761/STP -HCTP gửi đến tất cả các sở, ngành, địa phương để hướng dẫn và khắc phục ngay "vấn nạn" lạm dụng chứng thực. Cùng với việc thường xuyên kiểm tra đột xuất ở cơ sở, Sở Tư pháp sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác này nhằm tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, công dân. 

Hy vọng, với sự chỉ đạo và vào cuộc xuyên suốt từ T.Ư đến TP, tình trạng chứng thực tràn lan sẽ sớm chấm dứt, góp phần quan trọng vào công tác cải cách hành chính, chống lãng phí của cả nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng.

(Còn nữa)