Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòi hỏi tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) phải đợi hơn một tháng để hoàn tất các thủ tục, chi phí gia nhập thị trường nhiều gấp đôi DN trong nước.

KTĐT - Số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) phải đợi hơn một tháng để hoàn tất các thủ tục, chi phí gia nhập thị trường nhiều gấp đôi DN trong nước. Cũng chỉ có 33% DN FDI có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thấp hơn nhiều so với 53% DN trong nước… Đây là lý do khiến các DN FDI còn nhiều điều chưa hài lòng với môi trường kinh doanh Việt Nam.

DN phàn nàn vì bị phân biệt đối xử

Theo ông Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu điều tra cảm nhận của 1.155 DN FDI về môi trường kinh doanh các tỉnh, thành Việt Nam, các DN nước ngoài thường bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn, đồng thời phải thực hiện nhiều thủ tục hơn, đặc biệt trong lĩnh vực thông quan.

Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, các DN FDI đang tốn kém khá nhiều chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và đấu thầu hợp đồng của chính phủ. Cụ thể, 20% DN nói họ phải chi trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh, 40% DN chi trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu. Đáng chú ý là có đến 70% DN phải chi trả phí "bôi trơn" để thông quan hàng hóa nhanh hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá tính minh bạch của môi trường kinh doanh Việt Nam chưa có cải thiện đáng kể. Khả năng tiếp cận các văn bản, tài liệu, thông tin của tỉnh, thành còn bị hạn chế rất nhiều. Đánh giá này trùng khớp với cảm nhận của các DN trong nước. Nhiều nhà đầu tư chưa "tâm phục khẩu phục" với hệ thống tòa án ở Việt Nam.

Những thông điệp nhiều hàm ý

Dựa trên những điều tra, nhóm nghiên cứu dự đoán thế hệ các DN FDI mới vào Việt Nam sẽ là những DN tập trung vào lĩnh vực công nghệ hiện đại như: công nghệ thông tin và truyền thông; các dịch vụ khoa học, kỹ thuật; hoặc ngành bảo hiểm và tài chính có sử dụng kỹ năng quản lý hiện đại và đòi hỏi lao động trình độ cao.

Cũng theo số liệu điều tra, có đến34% nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cho rằng, chất lượng lao động là yếu tố quyết định để lựa chọn địa điểm đầu tư; 13,9% các nhà đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ coi vấn đề về thủ tục, quy định pháp lý là rào cản đầu tư vào một quốc gia.

Như vậy, điều đáng lo ngại nhất của Việt Nam là chất lượng lao động hiện chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà đầu tư. Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cho thấy, các DN FDI đánh giá chất lượng lao động đang tạo nhiều gánh nặng hơn so với đánh giá của DN trong nước. Chỉ 21,6% DN FDI hài lòng về đào tạo nghề, bằng một nửa so với DN nội (43,6%).

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo rằng, nếu phát triển kinh tế dựa vào các DN FDI sử dụng nhân công giá rẻ không phải là một chiến lược bền vững. Bởi chi phí lao động và giá cả nguyên vật liệu đầu vào trong nước đang có xu hướng gia tăng, theo quy luật, nhà đầu tư sản xuất dựa vào chi phí thấp sẽ chuyển hướng đầu tư sang các thị trường ít đắt đỏ hơn. Việt Nam đang lạm dụng các chính sách ưu đãi về tài chính, điều này làm chúng ta "mất nhiều hơn được" bởi các chính sách ưu đãi chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và cũng chỉ có những DN FDI "đánh nhanh rút gọn" mới quan tâm nhiều đến ưu đãi bề nổi. Lựa chọn thông minh là dành nhiều ưu đãi cho phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để thu hút thế hệ nhà đầu tư tiếp theo.

Các nhà hoạch định chính sách cần nhận thức, thu hút FDI là công cụ chứ không thể là cứu cánh để phát triển kinh tế. Nâng cao sức cạnh tranh nội tại thông qua việc kiến tạo môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh lành mạnh và sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách thông minh mới là kế sách lâu dài để thu hút đầu tư hiệu quả và vững bền.