Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đội INED-UT đoạt ngôi vị Á quân “Virtual Design World Cup”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua 24 đội thi đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, đội  INED - UT...

Kinhtedothi - Vượt qua 24 đội thi đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, đội  INED - UT (trường Đại học Giao thông vận tải, Hà Nội, Việt Nam) đã đoạt ngôi vị Á quân Cuộc thi “Virtual Design World Cup”  với ý tưởng thiết kế nút hình xuyến điều tiết lượng giao thông ra vào sân vận động Yumenoshima (Nhật Bản), nơi tổ chức lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020.

Virtual Design World Cup là một cuộc thi cấp quốc tế dành cho sinh viên được tổ chức thường niên hằng năm, nhằm tìm kiếm các ý tưởng hay cho việc tổ chức thế vận hội Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản. Cuộc thi đã quy tụ sinh viên khắp nơi trên thế giới tham gia, trở thành một sân chơi bổ ích dành cho sinh viên, nơi thể hiện tài năng với các ý tưởng táo bạo.

 
Đội INED – UT nhận giải.
Đội INED – UT nhận giải.
Tiếp nối thành công của 3 kỳ tổ chức trước (2011, 2012, 2013), Virtual Design World Cup lần thứ 4 với chủ đề “Sustainable Olympic town in Tokyo bay” – “Thành phố Olympic phát triển bền vững trên vịnh Tokyo”, yêu cầu các đội tham dự thể hiện ý tưởng, xây dựng phương án điều tiết giao thông quanh khu vực diễn ra thế vận hội, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho thế vận hội và sự phát triển chung của cả khu vực sau này.

Bắt đầu từ tháng 4/2014, sau khi trải qua vòng sơ loại ban tổ chức đã chọn ra 24 đội đến từ Vương Quốc Anh, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và chủ nhà Nhật Bản để tiếp tục thi đấu.

Đến với cuộc thi, đội INED - UT mang đến ý tưởng quy hoạch lại 2 nút giao thông của khu vực Shinkiba và Tatsumi thuộc Vịnh Tokyo, cửa ngõ để vào sân vận dộng tổ chức thế vận hội 2020, với loại hình nút giao hình xuyến.

Việc sử dụng nút giao thông hình xuyến mang không những đáp ứng nhu cầu về gia tăng lưu lượng đột biến trong thế vận hội mà còn đáp ứng sự gia tăng dân số của Nhật Bản trong tương lai do khả năng thông qua của loại hình nút giao này lớn hơn các nút giao cùng mức khác.

Ngoài ra, nút giao này còn có ưu điểm là thân thiện với môi trường, đảo tròn trong hình xuyến có thể dùng để trang trí tạo cảnh quan cho đô thị. Bằng việc sử dụng biểu tượng Olympic để trang trí tại nút giao cửa ngõ sân vận động, nút giao đã đem đến một điểm nhấn ấn tượng với du khách và các vận động viên khi đến tham dự Thế vận hội.

Bên cạnh đó, nút hình xuyến đã giúp quy hoạch 2 ngã tư gần nhau thành 1 ngã năm và 1 ngã ba đã tăng thêm tính an toàn khi tham gia giao thông tại khu vực này. Không chỉ phục vụ giảm ùn tắc, tạo mỹ quan đô thị, nút giao này còn thể hiện mình là 1 loại nút giao có tính an toàn cao, bằng việc hạn chế được tốc độ các phương tiện khi vào nút, nó đã làm giảm được tiếng ồn,  tăng tính an toàn giao thông.

Do không mất thời gian chờ nên tiết kiệm được nhiên liệu, lại không mất nhiều chi phí, xây dựng, vận hành và tái xây dựng khi có động đất, sóng thần xảy ra nên nó đã góp phần rất lớn vào sự phát triển bền vững cho cả khu vực Vịnh Tokyo. Đặc biệt so với các nút giao có đèn tín hiệu hiện đang sử dụng, nút hình xuyến ưu việt hơn và có thể thay thế đèn.

Ý tưởng của nhóm INED - UT trong buổi chung kết đã được hội đồng 5 giáo sư hàng đầu của Nhật Bản đánh giá rất cao và đã vinh dự giành giải “Excellent Award” tương đương ngôi vị Á quân, xếp sau chủ nhà Nhật Bản cho ý tưởng xuất sắc nhất. Giải thưởng bao gồm 100.000 Yên Nhật, Cúp, giấy khen, quà lưu niệm.

Nút giao thông hình xuyến đang được các nước trên thế giới chấp nhận và dần đưa vào nghiên cứu sử dụng. Đội INED – UT cho biết, sau thành công này sẽ lên kế hoạch nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam đặc biệt trong khu vực đô thị để phát huy tối đa những ưu điểm loại nút giao này mang lại.