Tăng lượng doanh nghiệp tham gia
Theo kế hoạch, năm 2014, UBND TP Hà Nội sẽ trích từ Quỹ Dự trữ tài chính TP 276,75 tỷ đồng cho các DN tham gia Chương trình bình ổn giá vay với lãi suất 0% để dự trữ 7 mặt hàng gồm: Gạo tẻ, thịt lợn, gà, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, trứng gà... Số lượng hàng hóa này đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, TP còn phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho DN tham gia chương trình được vay vốn với lãi suất ưu đãi trong việc dự trữ 9 nhóm mặt hàng bình ổn trị giá trên 519 tỷ đồng. Nhằm xã hội hóa hoạt động này, ngành công thương còn khuyến khích các DN thương mại, sản xuất cùng tham gia chương trình nhưng không nhận tạm ứng vốn mà sử dụng nguồn vốn tự có của DN trong việc dự trữ hàng hóa.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, những DN được ngành lựa chọn tham gia chương trình phải có quy mô lớn cả về vốn và hệ thống bán lẻ, hoạt động kinh doanh hiệu quả, không có nợ xấu, nợ quá hạn trong 2 năm gần đây. Đồng thời có lượng hàng hóa số lượng lớn, đủ cung ứng cho thị trường trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Không chỉ vậy, những DN này còn phải có phương án phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng hệ thống bán hàng bình ổn giá, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại khu vực ngoại thành. Nhưng quan trọng hơn cả, trong quá trình triển khai chương trình, các DN phải đăng ký giá bán hàng bình ổn giá với Sở Tài chính, Sở Công Thương với mức thấp hơn từ 5 - 10% so với giá bán trên thị trường. Cùng với đó, DN phải bố trí nguồn tự có khi tham gia.
Tạo điều kiện vay vốnvới lãi suất thấp
Hiện, có nhiều ý kiến cho rằng, nên cắt bỏ nguồn vốn vay ưu đãi trong hoạt động bình ổn giá, đồng thời xã hội hóa nguồn vốn, tạo tính chủ động cho DN trong hoạt động này.
Nhiều DN quản lý hệ thống bán lẻ như Hapro, Fivimart, Lan Chi… có chung ý kiến: Hiện, việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn vay ưu đãi của TP không phải là cấp vốn lưu động cho DN mà nguồn vốn này để dự trữ hàng hóa. Bởi vậy, khi được vay vốn, DN phải tạm ứng cho các nhà cung cấp hàng hóa để tạo nguồn hàng ổn định. Tuy nhiên, nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nguồn vốn trong hoạt động bình ổn giá, thời gian qua, ngành công thương đã từng bước giảm dần nguồn vốn vay ưu đãi. Nếu như năm 2012, TP cho các DN tham gia chương trình vay 376 tỷ đồng thì đến năm 2013 số tiền này chỉ còn 318 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 chỉ còn 276 tỷ đồng. "Nguồn vốn vay ưu đãi này mặc dù không nhiều nhưng thông qua đó, cơ quan quản lý có thể chỉ đạo được DN trong hoạt động bình ổn giá" - ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.
Nhằm tạo nguồn vốn cho các DN tham gia chương trình, đại diện ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội khẳng định, sẽ tạo điều kiện cho các DN được vay vốn với lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên, do hạn mức tín dụng của gói vay này không nhiều, điều kiện cho vay khá ngặt nghèo nên việc tiếp cận là không dễ dàng. Để giải quyết vấn đề vốn vay, UBND TP nên hướng DN vay thêm vốn ở gói tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn bởi hầu hết các mặt hàng bình ổn giá là hàng nông sản, thực phẩm.
Khẳng định hiệu quả của Chương trình bình ổn giá, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: Trong việc triển khai hoạt động này, DN không nên cào bằng mà phải căn cứ vào điều kiện từng địa bàn cụ thể để xây dựng phương án phù hợp với thực tế; Sở Công Thương ngoài việc huy động các DN ngành thương mại, nên kêu gọi thêm các DN sản xuất cùng tham gia chương trình. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu ngành ngân hàng nên xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc cho DN tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi, trong đó thời hạn vay không quá 12 tháng…
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Hapro Đông Anh. Ảnh: Hoài Nam
|