9 nhóm giải pháp đột phá
Trong Chương trình hành động, TP đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đổi mới cơ bản công tác TĐ - KT trên địa bàn.
Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 34, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về TĐ - KT, đẩy mạnh tuyên truyền phong trào TĐ và Đại hội TĐ yêu nước. Trong đó, nhấn mạnh cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: Qua hệ thống truyền thanh, bản tin, website tại đơn vị; tổ chức viết tin, bài phản ánh về điển hình tiên tiến, mô hình, nhân tố mới; tuyên truyền trong sinh hoạt của tổ chức Đảng, chính quyền... Nhất là cần nâng cao chất lượng cuộc thi viết về gương “Người tốt, việc tốt”.
Thứ hai, đổi mới nội dung và hình thức các phong trào TĐ. Các đơn vị phát động phong trào TĐ phải có chủ đề, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực và tập trung vào việc yếu, việc khó, lựa chọn mô hình điểm.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng công tác KT, với tiêu chí là kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, trong đó chú trọng lựa chọn và đề xuất KT theo thành tích và công trạng.
Thứ tư, TP yêu cầu tập trung phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Lưu ý, việc phát hiện điển hình phải xác định rõ đối tượng và tiêu chí điển hình, cụ thể trong từng lĩnh vực.
Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng TĐ -KT và đội ngũ cán bộ làm công tác này ở các cấp.
Thứ sáu, phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhất là người đứng đầu trong công tác TĐ - KT. Trong đó, lấy kết quả thực hiện TĐ - KT của đơn vị là một tiêu chí đánh giá năng lực người đứng đầu.
Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước về TĐ - KT. TP yêu cầu các cơ quan chức năng sớm rà soát đơn giản hóa TTHC nhằm tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân; tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC về khen thưởng.
Thứ tám, cần nâng cao chất lượng hoạt động của Cụm TĐ, trong đó, kiện toàn các cụm theo hướng: Các đơn vị trong cụm đồng nhất hoặc tương đối đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ, quy mô.
Thứ chín, các đơn vị chỉ được tổ chức các nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức KT, danh hiệu TĐ gắn với lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, tổng kết, sơ kết các hoạt động của cơ quan mình theo đúng quy định và đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, không phô trương.
Tránh bệnh thành tích
Chương trình hành động “Đổi mới công tác TĐ - KT giai đoạn 2015 - 2020” hướng tới mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng công tác TĐ - KT, tạo sự chuyển biến đối với các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của TĐ - KT. Đặc biệt, tổ chức các phong trào TĐ yêu nước phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, tránh bệnh thành tích, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện phong trào. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Chương trình, các cấp, ngành, đơn vị phải định kỳ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện và kịp thời báo cáo TP. Hơn nữa, thực hiện Chương trình cũng cần cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc TP để các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện.
Nhằm đạt được các mục tiêu này, UBND TP đã giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc TP xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình; có giải pháp cụ thể để tạo chuyển biến rõ nét trong công tác TĐ - KT những năm tới. TP cũng giao cụ thể các đơn vị gồm Sở TT&TT, các báo Hànộimới, Kinh tế & Đô thị, Đài PT&TH Hà Nội tuyên truyền Chương trình hành động đến các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân tích cực thực hiện. Ban TĐ - KT TP sẽ là đơn vị chủ trì kiểm tra, giám sát và chấm điểm TĐ việc thực hiện Chương trình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Thanh Hải
|