Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi mới và kỳ vọng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, 925.972 thí sinh sẽ bắt đầu kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Về cơ bản, kỳ thi năm nay được giữ ổn định như năm trước và có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Bộ GD&ĐT đã điều động 45.000 cán bộ, giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng về coi thi tại các địa phương. Qua kiểm tra và đánh giá của Bộ GD&ĐT, công tác chuẩn bị thi đều được các địa phương thực hiện chu đáo, nghiêm ngặt, đề thi bảo mật tuyệt đối.

 Các thí sinh tại Hà Nội làm thủ tục dự thi chiều 24/6. Ảnh: Phạm Hùng
Nhìn lại, hơn 15 năm tổ chức thi, có rất nhiều sự cố xảy ra từ lỗi của giám thị, hội đồng thi và chính các thí sinh đã gây rắc rối không nhỏ đến kỳ thi chung. Sau mỗi sự cố, Ban Chỉ đạo thi quốc gia đều có những cuộc họp đầy căng thẳng nhằm tìm phương án giải quyết và khắc phục hạn chế cho kỳ thi sau. Đến năm 2015, năm đầu tiên gộp chung 2 kỳ thi thành kì thi THPT quốc gia được đánh giá là một bước cải tiến trong công tác tổ chức thi cử. Không tránh khỏi những sai sót, những sự cố nhầm lẫn đáng tiếc, không tránh khỏi những ngờ vực, lo lắng của phụ huynh và các sỹ tử ở kỳ thi chung này, nhưng những đổi mới thành công ở kỳ thi được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Giờ đây, thi THPT, phụ huynh không còn phải căn giờ đưa con đi sớm trước hàng tiếng đồng hồ vì lo tắc đường, cũng không còn cảnh cha mẹ ngồi chờ con la liệt trong nắng nóng, đặc biệt gánh nặng tâm lý được giải tỏa ở một kỳ thi quy mô, quan trọng của cuộc đời học sinh. Những điểm mới thể hiện ở việc Bộ giao cho các địa phương chủ trì, giảm tốn kém cho gia đình và xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh có tâm thế tốt để bước vào kỳ thi. Đây cũng là yếu tố được dư luận quan tâm, ủng hộ và phù hợp với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, những thay đổi về kỹ thuật, sự vào cuộc, phối hợp của liên ngành, sẵn sàng cho kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc là những điểm nhấn trong mùa thi này. Có thể nói, những kết quả đổi mới đã và đang đạt được của ngành GD&ĐT thời gian gần đây thể hiện rõ nét qua kỳ thi THPT quốc gia, làm tiền đề cho những đổi mới tiếp theo, trong đó có đổi mới về kiểm tra, đánh giá trong giáo dục.

Tuy nhiên, điều lo lắng của phụ huynh, học sinh là lộ trình đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT được thay đổi liên tục. Những phụ huynh có con đang học lớp 10, lớp 11 lại sẽ thấp thỏm, âu lo, năm sau, thi cử sẽ thế nào? Nhưng theo Bộ GD&ĐT, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ tiếp tục được áp dụng trong năm tới với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn, đồng bộ với quá trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, nếu có những “điều chỉnh hợp lý”, dư luận vẫn mong mỏi Bộ sớm công bố để học sinh, phụ huynh không bị rơi vào thế bị động. Cũng như, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ sau năm 2020, nếu có thay đổi, hi vọng sẽ theo hướng nhẹ nhàng hơn với xã hội mà vẫn đảm bảo chất lượng, tính phân loại học sinh, trung thực, khách quan và an toàn.