KTĐT - Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều trường hợp rối loạn tiêu hóa nhưng không phải bệnh lý ví dụ như đối với trẻ do ăn chế độ không phù hợp làm cho tiêu hóa không bình thường, biểu hiện là phân nát, có bọt, màu hoa cà hoa cải, mùi tanh…
Rối loạn tiêu hóa là một cụm từ dùng để chỉ sự thay đổi hoặc xuất hiện một số triệu chứng ở đường tiêu hóa ví dụ như nôn, buồn nôn, đau bụng ...
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng không bình thường diễn ra ở đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn). Rối loạn tiêu hóa có thể là bệnh lý hoặc không phải bệnh lý. Bệnh lý có thể xảy ra ngay tại đường tiêu hóa nhưng cũng có thể xảy ra ngoài đường tiêu hóa. Mọi lứa tuối đều có thể bị rối loạn tiêu hóa và tình trạng rối loạn tiêu hóa ở mỗi một cá thể thường không giống nhau.
Rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý
Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều trường hợp rối loạn tiêu hóa nhưng không phải bệnh lý ví dụ như đối với trẻ do ăn chế độ không phù hợp làm cho tiêu hóa không bình thường, biểu hiện là phân nát, có bọt, màu hoa cà hoa cải, mùi tanh…
Nhiều trường hợp do mắc bệnh nhiễm khuẩn nào đó phải dùng kháng sinh nhưng người bệnh không tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, dùng không đúng liều lượng hoặc dùng kháng sinh không đúng chỉ định làm cho mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật ở đường ruột, xuất hiện đi đại tiện thấy phân lúc lỏng, lúc đặc, lúc nhão, có mùi tanh, hôi; kèm theo phân bị thay đổi cả về số lượng lẫn mùi, màu sắc và tính chất, đồng thời có thể xuất hiện những cơn đau bụng không thường xuyên. Hiện tượng làm mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật ở ruột được gọi là “loạn khuẩn”. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý của một số người, nhất là hiện tượng tự mua thuốc để điều trị bệnh cho mình hoặc người nhà của mình rất dễ dẫn đến “loạn khuẩn”.
Muốn biết có phải bị loạn khuẩn đường tiêu hóa hay không, bạn cần xét nghiệm phân. Khi có kết quả đánh giá bị “loạn khuẩn” của phòng xét nghiệm vi sinh y học, bác sĩ khám bệnh sẽ có phương pháp để điều chỉnh sự “loạn khuẩn” đó. Hoặc trường hợp phụ nữ nghén khi mang thai nhưng cũng có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như không muốn ăn, nôn, buồn nôn, ọe.
Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý
Hiện tượng ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, nôn, buồn nôn, ọe, đi lỏng hoặc táo bón, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn… là những biểu hiện cơ bản của rối loạn tiêu hóa thường gặp trong một số bệnh lý. Tuy nhiên, tùy theo từng loại bệnh mà triệu chứng xuất hiện có khác nhau không nhất thiết có đầy đủ các triệu chứng, có khi chỉ có một hoặc hai triệu chứng cũng có thể gọi là rối loạn tiêu hóa. Hội chứng dạ dày, tá tràng (viêm hoặc loét) đau khi đói hoặc sau ăn, hoặc đau theo chu kỳ kèm theo đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn hoặc nôn (trong trường hợp hẹp môn vị, u dạ dày thì nôn nhiều hơn).
Viêm ruột thừa cấp tính thường có đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn, hay gặp nhất là đau ở vùng hố chậu phải kèm theo buồn nôn hoặc nôn, bí trung, đại tiện. Có những bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang) ngoài đau bụng âm ỉ hoặc quằn quại, đau xuyên ra sau lưng thì đầy hơi trướng bụng, buồn nôn, nôn cũng có thể xuất hiện. Một số bệnh gây viêm ruột cấp tính cũng có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa rầm rộ như đau bụng, buồn nôn, nôn, đi lỏng nhiều lần như bệnh tả, bệnh thương hàn, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh ngộ độc thực phẩm… Viêm đại tràng co thắt thì có những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa có phần khác với viêm ruột cấp tính… Có một số cơ quan ngoài đường tiêu hóa nhưng khi bị bệnh cũng có một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như bệnh thiểu năng tuần hoàn não, bệnh rối loạn ốc tiền đình (cũng có triệu chứng buồn nôn, nôn).
Khi bị rối loạn tiêu hóa nên làm gì?
Vì rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau, có từng mức độ khác nhau ở mỗi người, nên người bệnh cần đi khám bác sĩ. Với trẻ em đang bú mẹ, đang ăn bổ sung (ăn sam), đang uống sữa bò, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng hoặc các cháu mới đi nhà trẻ, mẫu giáo do chế độ ăn chưa phù hợp tốt nhất là nên đến bệnh viện nhi, khoa nhi hoặc trung tâm dinh dưỡng để được bác sĩ chuyên khoa khám bệnh và tư vấn.
Khi rối loạn tiêu hóa có kèm theo đau bụng thì đi khám bệnh càng sớm càng tốt để đề phòng mắc bệnh cấp tính như bệnh viêm ruột thừa, thủng dạ dày, ngộ độc thực phẩm… Nếu không đi khám ngay để được xử trí kịp thời, người bệnh có thể gặp nguy hiểm đối với tính mạng.
Khi bị bệnh nhiễm khuẩn, người bệnh cần dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, không tùy tiện mua kháng sinh để dùng khi chưa có chỉ định.