Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối thoại về những "điểm nóng"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những vấn đề "nóng" như: Sự xuống cấp của văn hóa lễ hội, kết quả xử phạt vi phạm còn chậm trễ... đã được các phóng viên chất vấn lãnh đạo Bộ VHTT&DL tại cuộc họp báo tổng kết kết quả hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch 3 tháng đầu năm 2013 diễn ra sáng 4/4.

“Hội chứng phát ấn” chưa thể ngăn chặn

Mặc dù lễ hội năm 2013 còn kéo dài đến gần cuối năm, nhưng giai đoạn "chính mùa" đã đi qua cùng rất nhiều mặt trái, báo động tình trạng ngày càng xuống cấp của văn hóa tín ngưỡng. Một trong những vấn đề bức xúc nhất của dư luận hiện nay là "hội chứng" đóng và phát ấn đã lan từ Đền Trần (Nam Định) sang rất nhiều di tích khác như: Đền Trần (Thái Bình), Yên Tử (Quảng Ninh)... Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Cục trưởng Cục Di sản thừa nhận: "Cách thức sử dụng chiếc ấn ở các di tích đã có độ "chênh", không phù hợp giữa truyền thống và hiện tại. Lỗi của độ "chênh" này một phần do ban quản lý di tích, phần khác do những người đến sinh hoạt tín ngưỡng tại di tích đó".

Đối thoại về những "điểm nóng" - Ảnh 1

Rước kiệu tại Lễ hội phát ấn Đền Trần (Nam Định)

Chỉ tính riêng việc quản lý đóng và phát ấn ở Đền Trần (Nam Định) được Bộ VHTT&DL cho vào "điểm nóng", xây dựng đề án mới vẫn còn loay hoay. Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, nơi nghiên cứu Đề án phát ấn Đền Trần (Nam Định) cho rằng: "Sau 2 năm thực hiện đề án, năm đầu gặt hái nhiều thành công, đến năm thứ hai có một số việc thành công nhưng một số việc bị thụt lùi". Và thực tế là tại mùa lễ hội năm 2013, không gian chật hẹp của ngôi đền nổi tiếng linh thiêng trở thành nơi tranh cướp, giẫm đạp lên người và di tích vì lộc và ấn.

Những người quản lý văn hóa đều cùng chung quan điểm, đóng ấn là sinh hoạt tín ngưỡng diễn ra trong di tích. Việc nghiên cứu Đề án phát ấn Đền Trần (Nam Định) là hợp với chủ trương và lòng dân, nhưng về mặt kỹ thuật tổ chức cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Và nói như ông Nguyễn Hữu Toàn thì "cũng cần một thời gian nữa mới có thể đưa sinh hoạt tín ngưỡng đóng ấn đi vào trật tự".

Xử phạt lấy vì

Bản thân lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận, vấn đề quản lý lễ hội ngày càng rơi vào thế khó quản. Và khi ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ công bố con số xử phạt những vi phạm lễ hội sau khi tiến hành kiểm tra gần 100 lễ hội khiến nhiều người giật mình. Bởi số tiền thanh tra Bộ thu được từ việc xử phạt vi phạm trong lễ hội chỉ vẻn vẹn 2 triệu đồng. Lý giải cho việc xử phạt kém hiệu quả, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "Lễ hội năm 2013 xảy ra nhiều vi phạm, nhưng nhiều hình thức vi phạm chưa có chế tài xử phạt nên thanh tra chưa có "gậy" thực hiện".

Chuyện xử phạt lấy vì không chỉ xảy ra ở lĩnh vực văn hóa, di sản. Sau một năm tăng cường chấn chỉnh đời sống nghệ thuật biểu diễn theo Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL, Thanh tra Bộ VHTT&DL cũng chỉ xử phạt được 67 triệu đồng. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, đây là con số thể hiện tín hiệu vui về một đời sống biểu diễn dần được cải thiện. Tuy nhiên, ai cũng nhìn thấy, hiện tượng cởi, hở, sex, quảng cáo gián tiếp sản phẩm trên các chương trình truyền hình thực tế đang có nhiều biến thái.

Sự chậm trễ trong quản lý và xử phạt vi phạm còn nằm ở việc xử lý sự cố trưng bày nhầm ảnh di tích Phật Sơn của Trung Quốc tại gian hàng trưng bày du lịch của Việt Nam tại Hội chợ quốc tế du lịch ITB 2013. Hiện trách nhiệm tập thể của Tổng cục Du lịch đã được xác nhận, nhưng chưa có cá nhân nào bị xử lý vì Hội đồng kỷ luật đang trong quá trình xem xét các bằng chứng nên chưa thể đưa ra kết luận.

Đúng như Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn khẳng định, ngành văn hóa không ngại đối thoại hay giấu diếm những sai phạm. Tuy nhiên, hiệu quả từ việc nhìn thẳng của lãnh đạo Bộ chưa đạt kết quả tốt cũng chỉ vì sự quanh co của cán bộ cấp dưới. Chính vì vậy, với tình trạng chậm trễ này, chưa thể khẳng định, vào dịp tổng kết tiếp theo ngành VHTT&DL sẽ bớt được "điểm nóng".