Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đội tuyển Việt Nam thất bại tại AFF Cup: Niềm tin đặt nhầm chỗ

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đội tuyển Việt Nam một lần nữa đã phải dừng chân ở trận bán kết AFF Cup. Thất bại này nằm ngoài dự đoán của nhiều người nhưng lại phản ánh đúng những gì đã diễn ra trên sân.

Thất vọng lớn nhất thuộc về HLV Nguyễn Hữu Thắng, người không thể hiện được dấu ấn về chuyên môn trong thời điểm quyết định.
Lâu nay, sự thành bại của một đội bóng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thu phục nhân tâm của HLV. Nói cách khác, bất cứ HLV nào cũng có xu hướng xây dựng cho mình một bộ khung tin tưởng. Bộ khung ấy được xác lập dựa trên những bộ hạ thân tín của HLV. Quá khứ, HLV A.Riedl từng rất kết các cầu thủ Thể Công. HLV Miura lấy các cầu thủ Than Quảng Ninh, Hà Nội T&T làm rường cột đội bóng. Và bây giờ, đến lượt HLV Nguyễn Hữu Thắng xây dựng đội tuyển Việt Nam dựa trên công thức SLNA và những người bạn.
 Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng. Ảnh: Quốc Bảo
Người ta không ngạc nhiên khi HLV Nguyễn Hữu Thắng SLNA hóa đội tuyển Việt Nam bởi nó giúp ông có được sự an tâm tuyệt đối. Phần lớn các cầu thủ ra sân trong màu áo tuyển Việt Nam đều là đàn em, hoặc học trò của của ông Thắng. Mối quan hệ thân tình giúp ông Thắng có đủ niềm tin là mình sẽ nắm được phòng thay đồ và nhận được từ các cầu thủ sự tận lực trong thi đấu.

Vậy nên, bất chấp sự phản ứng từ một bộ phận dư luận cũng như các đội bóng, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã kiên định thực thi chính sách nhân sự của mình. Chỉ có điều, thành tích của đội bóng lại không như mong muốn của nhà cầm quân này. Bi kịch đã xảy đến khi những đệ tử ruột của ông Thắng lại mắc những sai lầm nghiêm trọng khiến đội tuyển Việt Nam tan mộng vô địch. Ở trận lượt đi AFF Cup là Quế Ngọc Hải, đến trận lượt về thì Đình Đồng đá phản lưới nhà, thủ thành Nguyên Mạnh chơi xấu với đối thủ để nhận thẻ đỏ ra sân. Chính điều này thổi bùng những bất mãn đối với HLV Nguyễn Hữu Thắng và nó khiến ông trở nên khó ăn nói khi đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi AFF Cup.

Sau thất bại trước đội tuyển Indonesia, đã có ý kiến kêu gọi HLV Nguyễn Hữu Thắng phải đứng ra nhận trách nhiệm của mình. Nhà cầm quân này đã gửi lời xin lỗi người hâm mộ vì gây thất vọng lớn. Ông cũng bỏ ngỏ khả năng nhường quyền lãnh đạo đội tuyển Việt Nam cho một người khác.

Tuyên bố là vậy, nhưng ông Thắng vẫn chưa đưa ra quyết định từ chức dù áp lực từ dư luận lúc này là rất lớn. Các đội bóng và dư luận cho rằng, HLV Nguyễn Hữu Thắng không đủ bản lĩnh để gánh vác trọng trách ở đội tuyển Việt Nam. Bằng chứng là đến lúc này, đội tuyển Việt Nam chưa có một lối chơi rõ ràng. Thế nhưng, nếu ông Thắng không tự nguyện rời bỏ ngôi cao thì khó khăn thuộc về VFF. Họ sẽ xử trí sao với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm đã ký với HLV Nguyễn Hữu Thắng? Chắc chắn, vì rất nhiều lý do, VFF sẽ bảo vệ HLV Nguyễn Hữu Thắng ít nhất là qua giai đoạn sóng gió hiện tại. Họ cũng sẵn sàng tạo điều kiện để HLV này tìm công việc mới và bắt đầu hành trình tìm HLV trưởng cho đội tuyển Việt Nam. Nhưng nếu HLV Nguyễn Hữu Thắng không chịu rút lui thì VFF lại phải đánh bạc với tương lai của đội tuyển. Chưa đầy một năm nữa, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ tham dự SEA Games 2017 và nếu HLV Nguyễn Hữu Thắng tiếp tục cầm quân thì chẳng ai dám chắc bóng đá Việt Nam sẽ hoàn thành được giấc mơ vàng. Bởi nói cho cùng, đến thời điểm hiện tại, HLV Nguyễn Hữu Thắng tỏ ra quá non trong việc cầm quân và tạo ra một tập thể đoàn kết vì mục tiêu chung.