Nếu con có thái độ cãi lại hoặc bày tỏ quan điểm, anh chị cho rằng đó là mầm mống của sự hỗn láo và để tạo lập quyền uy của mình, anh chị trị mạnh hơn, coi đây là “giải pháp” nhanh nhất để “giúp con nên người”. Bản thân anh chị đối xử với nhau cũng thiếu đi hai chữ “tỉnh táo” và nhẹ nhàng. Họ sẵn sàng lao vào xỉ vả nhau vì bất cứ việc gì, không ít lần anh còn tát, đạp chị mà không để ý đến ánh mắt lo sợ của con. Có thể nói “không khí bạo lực” lúc nào cũng sẵn sàng bùng nổ trong gia đình anh chị, nếu không có cái giật mình của anh khi chứng kiến con đang đánh một người bạn trong lớp. Anh lôi con ra định đánh một trận cho chừa thì cậu bé nói: “Con bảo nó không nghe, phải đánh. Chính bố bảo con thế còn gì!”. Anh bất giác hạ tay xuống. Đúng thật, mỗi khi bảo con không nghe, anh lập tức quát lên: “Nói không nghe, hư quá, phải đánh”. Anh về nói với chị chuyện đó và cả hai nhìn nhau thấy mình đã có cái gì đó không phải trong cách hành xử với con và với chính cuộc sống gia đình mình.
Anh chị cũng như nhiều bậc phụ huynh thường rất thiếu kiên nhẫn để có thể trò chuyện và giải thích cho con về cách chúng nên thể hiện cảm xúc với bố mẹ như thế nào cho đúng. Khi đứa trẻ phản ứng lại với phương pháp này, nó thường khiến cha mẹ phát điên. Và sự đối kháng thường lặp lại mỗi ngày và nhiều đứa trẻ trở nên “cứng đầu”, khó bảo từ kiểu ứng xử này. Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi bạo lực trong cách cư xử của bố mẹ làm tổn thương tâm thần ở trẻ, có khi kéo dài suốt cả cuộc đời. Trong khi người lớn luôn đòi hỏi trẻ phải ngoan, nghe lời khi người khác nói và tìm cách bổ sung kỹ năng sống cho con bằng mọi cách, nhưng chính họ lại không bao giờ “nhìn lại mình”. Do đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, con cái trong những gia đình bố mẹ cư xử thiếu sự yêu thương, mềm mỏng thường không có cơ hội tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, khó hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Thế nên, để trẻ phát triển đầy đủ về nhân cách, kỹ năng sống, các bậc phụ huynh nên tự biết điều chỉnh mình, thắp ngọn lửa gia đình ấm áp. Và trước hết người lớn cũng phải tự học kỹ năng kiềm chế bản thân, dung hòa các mối quan hệ, để không xảy ra tình trạng “cả giận mất khôn”. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, cũng cần có những quy định cụ thể mà mỗi thành viên phải chấp hành. Cha mẹ là người tập cho con thực hiện những quy định này thì bản thân họ phải gương mẫu. Thực tế đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình êm ấm, hạnh phúc, luôn phát triển tốt về kỹ năng ứng xử và phương thức sống khi trưởng thành.
Ảnh minh họa
|