Nhiều tỉnh miền Bắc thiệt hại nặng
Sáng 18/8, sau khi đi kiểm tra công tác thoát nước và thu dọn cây đổ tại một số tuyến đường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã biểu dương các cá nhân, tập thể đã nỗ lực cao trong việc giảm thiểu úng ngập, khắc phục cây đổ, hướng dẫn phân luồng giao thông, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân do ảnh hưởng của cơn bão số 5. |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, nhiều tỉnh, TP ở Bắc bộ đã xảy ra lốc mạnh trên diện rộng như: Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Quảng Ninh, Hải Phòng... Bão, gió lốc và mưa lớn đã gây thiệt hại về người và tài sản. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh, TP, tính đến ngày 19/8, đã có 28 người chết, mất tích và bị thương; 166 căn nhà bị đổ sập; hơn 11.500 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại; gần 24.000ha lúa và hoa màu bị ngập; hơn 1.200ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập...
Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất do cơn bão số 5. Theo thống kê ban đầu, bão số 5 đã làm gần 7.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái, trong đó riêng huyện Văn Chấn hơn 3.000 ngôi nhà, nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ. Tỉnh Yên Bái đã phải huy động cả các đơn vị quân đội, công an tham gia sơ tán người dân khỏi vùng ngập úng.
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết, mưa bão đã khiến cho một số tuyến đê của các tỉnh bị sạt lở, gây nguy hiểm đến sản xuất và đời sống của người dân. Cụ thể, tại Bắc Giang, mưa bão đã tiếp tục làm sạt lở bãi sông khu vực K2+570 - K2+750 đê tả Thương kéo dài thêm 20m về phía thượng lưu, sạt sâu thêm vào bãi 2,5m, đỉnh cung sạt điểm gần nhất cách chân đê 5m. Tại Nam Định, bão gây sạt lở kè Quy Phú đê hữu Hồng, huyện Nam Trực dài khoảng 180m. Tại Hà Nội, mưa lớn đã gây sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ đoạn K5+500 - K5+550, dài 50m. Đây là đoạn đê được tu bổ từ năm 2010, nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao. Hiện các địa phương đã đi kiểm tra và chỉ đạo khắc phục các sự cố đê điều trên.
Công nhân điện lực Hà Nội xử lý sự cố do ảnh hưởng của cơn bão số 5.
Sáng 19/8, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư đã có Công điện số 36/CĐ-TW lệnh cho Giám đốc Nhà máy thủy điện Hòa Bình đóng cửa xả đáy còn lại vào hồi 13 giờ chiều cùng ngày. Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư tiếp tục cử đoàn công tác tới các tỉnh Yên Bái và Vĩnh Phúc để kiểm tra tình hình lốc, ngập lụt và thiệt hại.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, tình hình mưa lốc sau bão số 5 vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chủ động các phương án PCLB, giảm tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.
Hà Nội khẩn trương tiêu úng, dọn cây đổ
Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, tổng lượng mưa trong 3 đợt tại Vân Hồ 217mm; Xuân Đỉnh 166mm; Yên Sở 171mm; Đông Anh 183mm; Thanh Liệt: 228mm; Long Biên 137mm... Do mưa to kéo dài nên đã xuất hiện nhiều điểm úng ngập tại ngã tư Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường, Trương Định, đường Giải Phóng, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Thái Hà, Thái Thịnh, Ngọc Khánh, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Nguyễn Huy Tưởng với mức độ sâu từ 0,15 - 0,3m.
Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Nguyễn Lê cho biết, để hạn chế úng ngập ảnh hưởng đến người dân, toàn bộ 100% CBCNV đã ứng trực tại các điểm úng ngập để khơi thông dòng chảy, dọn dẹp cây bị đổ, gãy. Các cửa phía hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Do đó, nước ngập đã rút nhanh sau thời gian từ 1 - 2 giờ kể từ khi mưa tạnh.
Số liệu từ Công ty Công viên cây xanh cho thấy, đã có 180 cây xanh bị đổ trên nhiều tuyến đường của Hà Nội. Công ty đã huy động tối đa nhân lực xuống các địa điểm có cây đổ để cắt thân cây, dọn cành lá gãy để sớm thông đường. Đến 15 giờ ngày 19/8, hầu hết các cây đổ đã được thu dọn xong và thông đường cho các phương tiện đi lại bình thường.
Tại khu vực ngoại thành, mưa lớn đã làm hơn 6.400ha lúa bị ngập úng, tập trung ở các huyện Thường Tín (1.300ha), Thanh Oai (895ha), Gia Lâm (gần 1.000ha), Thanh Trì (600ha), Chương Mỹ (550ha), Từ Liêm (400ha)... Chi cục Thủy lợi Hà Nội đã chỉ đạo các công ty thủy lợi cử công nhân ứng trực 24/24 giờ, đồng thời vận hành các trạm bơm tiêu úng cứu lúa. Theo thống kê, các địa phương đã và đang vận hành 114 trạm bơm với 570 máy bơm các loại hoạt động liên tục với tổng lượng bơm khoảng 1.409.500m3/h để cứu lúa. Tại huyện Đông Anh, hai trạm bơm Thạc Quả (7 máy, công suất 4.000m3/h) và Mạnh Tân (16 máy, công suất 2.500m3/h) đang hoạt động liên tục để cứu khoảng 660ha lúa Mùa ngập sâu tại thuộc địa bàn các xã Việt Hùng, Liên Hà, Thụy Lâm, Vân Hà. Còn tại huyện Gia Lâm, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội cũng đang chỉ đạo các trạm bơm Dương Hà, Phù Đổng, Thịnh Liên vận hành 24/24 giờ để tiêu thoát úng cho khoảng gần 1.000ha lúa Mùa thuộc các xã Dương Hà, Thịnh Liên... Ban Chỉ huy PCLB TP đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiêu thoát nước, cứu lúa và hoa màu bị ngập úng.
Dịch vụ “cứu hộ” tại đường 70, đoạn qua Bệnh viện 103, quận Hà Đông, Hà Nội.Ảnh: Trình Vũ
Theo ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, để ứng cứu các khu vực úng ngập tại quận Hà Đông, đến 10 giờ sáng ngày 19/8, Công ty đã cho mở đập Thanh Liệt đưa nước chảy ngược từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch, sau đó tiếp tục đưa vào kênh dẫn trạm bơm Yên Sở để bơm nước ra sông Hồng. Ngày 19/8, Sở GTVT đã có văn bản cấm tất cả các phương tiện lưu thông qua các tuyến đường, gồm: Tuyến đường 70 (đoạn từ Quân y viện 103 đến khu vực cống Yên Xá); Tuyến đường trục phía Bắc quận Hà Đông (đoạn từ nút giao Vạn Phúc - Lê Văn Lương kéo dài đến nút giao đường Lê Trọng Tấn); đoạn gần đập tràn Phùng trên QL32. Thời gian thực hiện phân luồng từ 10 giờ ngày 19/8 đến khi có các thông báo tiếp theo căn cứ vào tình hình giải quyết úng ngập và sự cố trên các tuyến đường.
Trong đợt kiểm tra việc khắc phục thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu: Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước bố trí công nhân tiếp tục hạ mực nước đệm tại các kênh dẫn, sông hồ đến mức tối đa để khi mưa xuống sẽ thoát nhanh, hạn chế úng ngập. Giao Thanh tra Sở GTVT và CSGT tập trung lực lượng hướng dẫn phân luồng giao thông tại các điểm có cây đổ, giao Công ty Môi trường Đô thị huy động lực lượng vệ sinh thành phố nhất là các điểm có cây đổ. Yêu cầu Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cấp điện đầy đủ cho các trạm bơm thoát nước để đối phó với úng ngập khi mưa to.
Tại đường 70, đoạn qua Bệnh viện 103 (hướng đi Văn Điển) mưa lớn đã khiến gần 500m tuyến đường nay ngập sâu trong nước từ 20 - 40cm. Cá biệt, đoạn gần khách sạn Bảo Nam nước ngập sâu từ 60 - 80cm, khiến các phương tiện đi qua tuyến đường này liên tục bị chết máy, đặc biệt là xe máy. Sau khi trời tạnh mưa, một số người đã đem xe cứu hộ cỡ lớn, xe tải, đầu máy cày, xe bò… ra trực sẵn ở đầu khu vực bị ngập lụt chờ chở xe máy đi qua. Mỗi chuyến một chiếc "cứu hộ" chở được 10 - 12 xe, xe tải 6 xe, đầu máy cày chở 2 xe, xe bò 1 xe… với giá 30.000 đồng/xe/lượt. Cứ khoảng 15 phút/lượt, chủ các phương tiện "cứu hộ" đã kiếm được bộn tiền nhờ dịch vụ này. |