Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng bào công giáo Thủ đô: Đẩy mạnh các phong trào thi đua

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, với phong trào thi đua xây dựng “Xứ, Họ đạo tiên tiến”, đồng bào Công giáo Thủ đô đã đoàn kết phát huy dân chủ, chấp hành pháp luật, tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Các tổ chức Công giáo Thủ đô ra quân làm vệ sinh môi trường tại khu vực trạm bơm xã Tri Thủy, ngày 5/6/2018.
Khuyến khích làm giàu chính đáng
6 tháng đầu năm 2018, giáo dân ở các Xứ, Họ huyện Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Đông Anh, thị xã Sơn Tây… đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất, đảm bảo thời vụ đạt năng suất cao, tăng thu nhập từ 70 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm. Tại nhiều huyện có ngành nghề truyền thống, đồng bào Công giáo nhanh nhạy tìm thị trường phát triển kinh doanh dịch vụ sản xuất tạo doanh thu từ 100 - 800 triệu đồng/năm và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Tại một số quận như Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, giáo dân cũng năng động phát triển kinh doanh dịch vụ thương mại nhỏ lẻ, vươn lên làm giàu với nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh… Một số giáo dân khác lại chọn kinh doanh dịch vụ chiều sâu, thành lập công ty có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Thông qua tín chấp các tổ chức đoàn thể, giáo dân trên địa bàn TP đã được Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện, thị xã quan tâm, cho vay vốn để đầu tư kinh doanh sản xuất, chăn nuôi, đầu tư xây dựng các mô hình nuôi, trồng thực phẩm sạch. Tiêu biểu như quận Tây Hồ thông qua tín chấp của các đoàn thể chính trị đã cho 52 hộ vay và hỗ trợ việc làm cho 20 hộ với tổng số tiền là 2 tỷ 160 triệu đồng. Quận Bắc Từ Liêm có 33 hộ được vay với số tiền là 1 tỷ 300 triệu đồng…

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh”, đồng bào Công giáo Thủ đô đã tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như 40 hộ giáo dân Họ giáo Đại Bằng, thôn Đại Bằng, xã Nguyễn Khê, huyện Đông Anh tự nguyện hiến 2.140m2 đất nông nghiệp để mở rộng 2 tuyến đường từ thôn đến đường Võ Nguyên Giáp và từ Nhà thờ đến nghĩa trang với tổng chiều dài 1.650m, rộng 9m, đồng thời tự nguyện đóng góp kinh phí để làm cốt đường với tổng số tiền trên 150 triệu đồng.

Chung tay bảo vệ môi trường

Tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là hoạt động được đồng bào Công giáo Thủ đô rất quan tâm. Các giáo họ tham gia ký kết về bảo vệ môi trường có nội dung phù hợp, thiết thực với thực trạng môi trường ở khu dân cư.
Họ nhà xứ Thượng Thụy (quận Tây Hồ) ký cam kết tiết kiệm điện, nước ở nơi công cộng cũng như trong gia đình, hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác thải ngay tại gia đình, không vứt rác bừa bãi ra ngoài đường cũng như nơi công cộng. Đồng thời, chăm sóc và bảo vệ cây xanh nơi công cộng, tạo nếp tổng vệ sinh đường làng, ngõ phố vào thứ 7 hàng tuần.
Giáo Họ Chằm Hạ (huyện Phú Xuyên) cũng cam kết không vứt rác bừa bãi, thu gom rác thải đúng nơi quy định, xây dựng, khơi thông cống rãnh thường xuyên, chủ động dọn vệ sinh hàng tuần nơi công cộng và khuôn viên nhà Thờ…

Để các phong trào thi đua của Công giáo Thủ đô ngày một phát triển sâu rộng, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam TP Hà Nội - Linh mục Dương Phú Oanh cho rằng, Ban Đoàn kết công giáo một số quận, huyện, thị xã cần chủ động hơn trong việc đề xuất với Ban Thường trực MTTQ để phối hợp triển khai các chương trình, nhất là kế hoạch về xây dựng Xứ, Họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cần tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo Thủ đô thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định 162 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.