Đồng hành vượt khó cùng DN
Hỗ trợ cộng đồng DN luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong suốt 5 năm qua. Từ cuối năm 2012, TP đã ban hành Quy chế và năm 2013, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND “Hỗ trợ các DN trên địa bàn TP Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu” (được điều chỉnh năm 2014) và triển khai liên tục hàng năm cho đến nay.
Năm 2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành chương trình hành động 22/Ctr-UBND, thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN và các kế hoạch cụ thể tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Quyết định số 6125/QĐ-UBND và Quyết định số 6866/QĐ-UBND về thí điểm sử dụng hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN trên địa bàn, năm 2013, Hà Nội chi 80 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất vay là 0,2 - 0,3%/tháng tính trên số tiền vay, thời gian hỗ trợ từ 3 - 12 tháng cho các DN được ưu tiên vay vốn bao gồm: Dệt may, chế biến nông sản, thực phẩm, hóa chất; các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn như ngành cơ khí, 5 nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: ngành dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học;… TP cũng đã tổ chức rà soát, phân loại dự án bất động sản và chấp thuận chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tích cực triển khai các quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở.
Trong năm 2014, TP đã chủ động thực hiện 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy chương trình bình ổn giá, chương trình khuyến mại đa dạng của các DN, chương trình liên kết kinh tế và cung cầu hàng hóa dịch vụ giữa Hà Nội với các tỉnh, TP khác, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; Ban hành Quyết định số 4832/QĐ-UBND về hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN trên địa bàn TP để sản xuất, kinh doanh năm 2014. TP cũng ban hành Kế hoạch số 105/2014/KH-UBND về thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - DN, khuyến khích ngân hàng thương mại tăng vốn cho vay với lãi suất vay ngắn hạn 6,5 - 7,5%/năm và cho vay trung và dài hạn ở mức 10%/năm cho các hộ sản xuất, kinh doanh và DN, nhất là đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên.
Trên 23 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại đã tham gia chương trình và hàng trăm DN được hưởng lợi từ chương trình này với mức hỗ trợ giảm lãi suất hàng ngàn tỷ đồng. Hết tháng 12/2014 so với cùng kỳ năm trước, tổng dư nợ cho vay DN trên địa bàn đạt 1.035,6 ngàn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 4,2%, dư nợ trung và dài hạn tăng 21,5%.
Năm 2015, Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 01 của UBND TP năm 2015 tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. TP cũng đã dành 60 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, như: Chương trình xúc tiến thương mại dành cho sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, hỗ trợ xây dựng thương hiệu; tổ chức 100 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 3.500 lao động nông thôn; hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia hội chợ quốc tế chuyên ngành thủ công mỹ nghệ tại nước ngoài...
Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các doanh nghiệp Thủ đô tiêu biểu. Ảnh: Khắc Kiên
|
Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, TP hoàn thành các quy hoạch phân khu, các cơ chế chính sách đồng bộ tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP; Tăng cường cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2015, TP đã giảm thời gian đăng ký thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; Đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư... Và tính đến hết tháng 9/2015, Hà Nội đã có 96.208 DN đăng ký nộp thuế điện tử thành công tại cổng điện tử của cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 91,5% số DN đang hoạt động trên địa bàn TP, là 1 trong 25 cục thuế trên toàn quốc đã hoàn thành trước thời hạn chỉ tiêu 90% DN triển khai nộp thuế điện tử theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP.
Hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu và phát triển theo chiều sâu
Thời gian qua, nhiều giải pháp đột phá đã được TP chủ động xây dựng và triển khai nằm thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và định hướng DN phát triển theo chiều sâu, cả trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Từ kết quả ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC), tạo giá trị kinh tế lớn trong sản xuất lúa, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, TP Hà Nội đang xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2015 – 2020 và chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, định hướng hỗ trợ theo chuỗi sản xuất – tiêu thụ đồng bộ từ các khâu: giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, hệ thống chẩn đoán, kiểm định dịch bệnh, công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản CNC. Xác định phát triển công nghiệp CNC là một hướng đi tất yếu cần ưu tiên, từ nhiều năm qua, ngoài thực hiện các chính sách chung của Nhà nước về phát triển công nghiệp, Hà Nội cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, CNC; phát triển các cụm công nghiệp ở ngoại thành không gây ô nhiễm môi trường và phát triển các làng nghề truyền thống theo hướng ứng dụng kỹ thuật, CNC; kết hợp giữa phát triển các làng nghề với phát triển du lịch… Hà Nội còn là một trong những địa phương đã đi đầu trong việc xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ, với 59 sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của 49 DN.
Nhờ những nỗ lực trên, 5 năm 2011 - 2015, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện; cộng đồng DN trên địa bàn tăng cả về lượng và chất, đóng góp đắc lực vào kết quả phát triển kinh tế đầy ấn tượng của Thủ đô, với Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân ước tăng 9,23%/năm, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt trên 1 triệu 400 ngàn tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng gấp gần 2 lần giai đoạn 2006 - 2010. Thu hút trên 1.080 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.
Và những thách thức
Bên cạnh những thành công đáng ghi nhận trên, Hà Nội vẫn còn đối diện nhiều thách thức trong hỗ trợ và quản lý DN, nhất là trong công tác quản lý đất đai, quản lý nợ đọng thuế; định hướng và hỗ trợ DN tăng cường liên kết, phát huy vai trò kinh tế Hà Nội trong khu vực vùng Thủ đô.
Trừ 2 lĩnh vực chuyển biến khá trong 4 năm qua, là dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động, xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của Hà Nội không cao, đứng thứ 26/63 trong bảng xếp hạng năm 2014 tăng 7 bậc so với năm 2013 và là mức tốt nhất trong tất cả các lần xếp hạng 8 năm qua. Tuy nhiên TP vẫn bị coi là trì trệ nhất trong điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngoài lý do khách quan, còn do bất cập trong nhận thức và thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, nhất là người trực tiếp giải quyết các việc liên quan đến DN. Việc phối hợp quản lý DN giữa các quận, huyện và sở, ngành còn lỏng và chưa hiệu quả. Sự đánh giá thấp về các chi phí không chính thức, tính minh bạch thông tin, năng lực của lãnh đạo TP và xếp hạng về chỉ số PCI là những hạn chế cần chấn chỉnh nhằm gia tăng kỷ cương hành chính, tập trung nhiều hơn vào giám sát, phân cấp quản lý; tiếp tục sửa đổi các thủ tục nhằm tinh gọn, giải quyết công việc nhanh chóng.
Nhìn chung, cộng đồng DN trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn về tiền thuê đất, chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm cao, làm giảm tính cạnh tranh; sức mua thấp, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Vì vậy, thời gian tới, TP cần tiếp tục đồng hành cùng DN, tăng cường cải cách hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư như thủ tục về quy hoạch, xây dựng, đất đai, hải quan, đăng ký kinh doanh, rút ngắn thời gian thông quan; hỗ trợ DN tiếp cận vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý; xúc tiến mở rộng thị trường, giải quyết hàng tồn kho, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh hỗ trợ DN xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài; nâng cao năng lực quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tạo lập bản sắc văn hoá riêng của DN Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.