Việt Nam đứng thứ 9 về thu hút kiều hối
Báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho biết, Việt Nam đứng thứ 9 thế giới về nhận kiều hối. Các chuyên gia WB dự báo, năm 2013, kiều hối về Việt Nam sẽ đạt mức trên, có thể lên tới 11 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2012. Theo WB, lượng kiều hối chuyển về các nước đang phát triển sẽ tăng mạnh về trung hạn với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 9%. Tổng lượng kiều hối toàn cầu, kể cả lượng chuyển về các nước có thu nhập cao, ước tính sẽ đạt mức 540 tỷ USD năm nay và sẽ đạt mức kỷ lục 707 tỷ USD năm 2016.
Tại Việt Nam, bên cạnh những kênh truyền thống, nguồn kiều hối những năm gần đây được ghi nhận gia tăng mạnh mẽ từ nguồn xuất khẩu lao động. Mục tiêu của Việt Nam năm 2013 - 2015 là mỗi năm sẽ đưa 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Á. Ảnh: Lã Tuấn Anh
|
Đáng chú ý là xu hướng đầu tư của các kiều bào năm 2013 đã có sự dịch chuyển, trong đó kiều hối không đổ nhiều vào bất động sản như những năm trước mà chuyển qua hỗ trợ sản xuất kinh doanh và gửi về cho thân nhân. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trong tổng lượng kiều hối 9 tháng năm 2013 tại TP Hồ Chí Minh có 21% dành cho bất động sản, chủ yếu là những công trình dang dở của những năm trước, năm nay tiếp tục chuyển về đầu tư cho hoàn thiện; 69% là dành cho sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn. Đây là nguồn vốn tốt cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khắc phục khó khăn thúc đẩy kinh tế phát triển".
Trong khi các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn, lãi suất tiết kiệm giảm, vàng, chứng khoán, bất động sản vẫn chưa phục hồi và tiềm ẩn nhiều rủi ro thì việc đổ vốn vào sản xuất kinh doanh đang là lựa chọn của nhiều kiều bào.
Tăng tốc đón "mùa" kiều hối
Tại các ngân hàng có dịch vụ chi trả kiều hối phát triển như: Sacombank, DongABank... doanh thu từ kiều hối tăng khá cao. Tổng doanh số kiều hối qua Sacombank từ đầu năm đến nay đạt 1,2 tỷ USD. Tại ngân hàng này, các dịch vụ chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng ở các nước châu Âu, châu Á và Trung Đông... đang được triển khai mạnh. Mục tiêu mà ngân hàng này đặt ra là mức tăng trưởng 15 - 20% doanh số kiều hối trong năm nay. Năm 2012, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty Kiều hối Đông Á đạt 1,6 tỷ USD và kế hoạch dự kiến doanh số chi trả năm nay của của ngân hàng này sẽ tăng hơn 20%.
Cùng với xu hướng gia tăng mạnh của lượng kiều hối từ xuất khẩu lao động, chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối tại Việt Nam cũng đã có nhiều cải thiện. Các ngân hàng cũng đang lên kế hoạch để "hút" mạnh kiều hối trong "mùa" cao điểm cuối năm. Ông Trịnh Hoài Nam - Phó Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á cho biết: "Hiện tại, công ty đã mở rộng quan hệ hợp tác với hầu hết các dịch vụ chuyển tiền ở những thị trường có mật độ người lao động Việt Nam cao, tại đó đều có các giao dịch viên người Việt nhằm giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc thực hiện giao dịch. Điều này cũng giúp thời gian chi trả được rút ngắn, khách hàng có thể nhận tiền ngay trong ngày. Đó là những dấu hiệu khả quan, góp phần khai thông lượng kiều hối về Việt Nam một cách dễ dàng và giúp người lao động tại nước ngoài yên tâm hơn khi gửi tiền về cho người thân".
Từ những dấu hiệu tích cực trong lượng kiều hối ghi nhận được trong 9 tháng đầu năm và xu hướng gia tăng mạnh của lượng kiều hối những tháng cuối năm, khi người lao động chuyển tiền về Việt Nam cho người thân dịp Tết, ông Nam dự báo, lượng kiều hối năm 2013 có thể sẽ vượt con số 10 tỷ USD mà năm 2012 đạt được.