Những lời phát biểu tâm huyết của Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo DN, giới chuyên gia tại Hội thảo: “Động lực phát triển kinh tế tư nhân” trước thềm Lễ trao giải Sao Vàng đất Việt 2015.
DN Việt không thua kém
Đánh giá về nội lực của các DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “DN Việt không thua kém các DN trên thế giới nếu Nhà nước đóng vai trò là hậu phương vững chắc, hỗ trợ cho DN”. Cũng theo đại diện VCCI, thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế, còn kinh tế tư nhân chính là động lực của nền kinh tế. Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam là “con tàu cao tốc”, thì “đường ray” chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là kinh tế tư nhân. Đồng tình với quan điểm của ông Lộc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, DN Việt Nam từ chỗ chỉ có 4.000 DN đến nay đã có 500.000 DN, chỉ nhìn con số này đã có thể khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. “Việt Nam bắt đầu từ nền kinh tế chợ quê tới kinh tế mặt phố và cho đến hiện nay đang tiến dần vào nền kinh tế siêu thị. Tất cả những giai đoạn này đều ghi nhận sự phát triển nội lực của DN tư nhân” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến từ góc độ một DN tư nhân ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco Group cho rằng, nhận thức của DN ngày nay đã thay đổi. Các DN không chỉ xác định đơn thuần là kinh doanh để kiếm tiền, mà còn có ý thức đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Chính vì vậy, các DN mới đau đáu phải làm gì để tạo ra giá trị đích thực. Trong quá trình hội nhập, các DN đang từng bước sản xuất đầu tư công nghệ, chú trọng nâng cao trình độ quản trị và cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tốt, có văn hóa, có giá trị thực. Từng bước đổi mới, các DN Việt Nam đã bắt đầu xây dựng được những thương hiệu lớn như: FPT, Sơn Hà, Vingroup, Trường Hải, Hòa Phát… Đây cũng là những tên tuổi đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân, là đầu tàu của nền kinh tế suốt nhiều năm qua.
Cần nhiều hỗ trợ thiết thực hơn
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ DN của Đảng và Nhà nước trong những năm qua, ông Phương Hữu Việt – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Á, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ. Tuy nhiên, Nhà nước cần chủ động được sớm về chính sách đối với DN, trong đó có chính sách ủng hộ DN mới khởi nghiệp. Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 chia sẻ, các DN rất cần sự hậu thuẫn từ phía các cơ quan Nhà nước trong công tác phát triển thị trường. “DN Việt Nam không thể chiếm lĩnh thị trường thì đến một thời điểm nào đó, ngay tại quê hương mình, chúng ta sẽ đánh mất thị trường, đánh mất thương hiệu của chúng ta" - bà Huyền lo lắng. Theo bà Huyền, việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là rất đáng hoan nghênh, song quan trọng nhất là Cuộc vận động này phải làm sao thay đổi được nhận thức của người Việt Nam, để người Việt Nam không chỉ dùng hàng Việt mà phải dùng cả chuỗi cung ứng và dịch vụ của DN Việt Nam. Có như vậy, sản phẩm của DN Việt Nam mới có thể đến được với người tiêu dùng trong nước.
Ở góc độ quản lý và hoạch định chính sách, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung khẳng định, những năm qua Việt Nam đã đi một bước dài về chính sách. Luật DN năm 1999 có hiệu lực vào năm 2000 được xem là cuộc cách mạng cho đội ngũ DN, tạo ra bước ngoặt lớn đối với nền kinh tế, đưa số lượng DN từ con số 4.000 DN sau một năm đạt 13.000 DN. Một lần nữa, Thứ trưởng thừa nhận: “Chúng ta nói nhiều tới đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc… nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, để có thể tạo nên sự đột phá đó phải kể đến vai trò và vị thế to lớn của DN tư nhân trong nước và nước ngoài”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trao giải thưởng cho các DN tiêu biểu.
|
Trong bối cảnh hiện nay, làm giàu là yêu nước, yêu nước là phải làm giàu, là phải giúp đất nước giàu mạnh, tạo việc làm cho người dân. Tôi cũng mong Đảng và Nhà nước đặt niềm tin vào sự khát khao làm giàu của lực lượng kinh tế tư nhân.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
|
Một nền kinh tế xét về lý thuyết sẽ không thể phát triển được nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu. Việc hoàn thiện thể chế là do Nhà nước tạo nên. DN là đối tượng sử dụng thể chế nên phải có trách nhiệm thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư
|