Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) được giao quản lý diện tích trên 10.000 héc ta rừng. Theo quy hoạch 3 loại rừng, diện tích rừng phòng hộ gồm trên 5.000 héc ta, diện tích rừng sản xuất trên 4.500 héc ta. Cao điểm mùa khô hạn nhiệm vụ bảo vệ rừng càng được nâng cao.
Hiện có 6 đơn vị phân trường gồm 15 tiểu khu, 1 Tổ bảo vệ rừng cơ động (thuộc Phòng lâm nghiệp) được bố trí thành 6 chốt bảo vệ rừng, mỗi phân trường 1 chốt bố trí từ 2 đến 3 người bảo vệ rừng. Mỗi phân trường ít nhất 3 người, có nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống cháy đối với người trồng rừng.
Căn cứ tình hình thực tế, các phân trường, tiểu khu, lực lượng bảo vệ rừng xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra (kể cả thời gian ngoài giờ làm việc) tại địa bàn phụ trách và toàn lâm phận để tổ chức thực hiện, có hồ sơ theo dõi, báo cáo kịp thời nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
Các phân trường thường xuyên chủ động bố trí lực lượng tuần tra bảo vệ rừng trên toàn lâm phận, nhất là các khu vực trọng tâm, trọng điểm dễ xảy ra vi phạm kể cả tuần tra ban đêm và những ngày nghỉ lễ.
Tại các phân trường, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tác nghiệp phòng cháy chữa cháy rừng cấp phân trường. Thành lập các tổ xung kích phòng cháy chữa cháy rừng ở những khu vực trọng điểm để sẵn sàng chữa cháy. Bố trí lực lượng tuần tra mặt đất, trực chòi canh để phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố cháy xảy ra.
Chế độ trực, tuần tra, kiểm tra canh phòng lửa rừng được thực hiện ngay từ đầu mùa khô kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tại các phân trường đều bố trí trực chòi canh đồng thời với bố trí lực lượng tiểu khu, nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra mặt đất để kiểm soát người ra vào rừng, tuyên truyền, hướng dẫn thi công xử lý thực bì, làm đường ranh cản lửa.
Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, tại Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, tình hình phòng cháy chữa cháy rừng vẫn đảm bảo an toàn, không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Tuy nhiên, có một số hộ dân xử lý thực bì bất cẩn gây xém lá gây ảnh hưởng đến cây rừng trồng trên diện tích nhận khoán.