Các nhà phân tích thị trường tại Ấn Độ nhận định rằng căng thẳng địa-chính trị toàn cầu đã ảnh hưởng đến đồng rupee. Các nhà buôn bán tiền tệ hy vọng Ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ bán đồng USD để hạn chế sự biến động của rupee nếu đồng tiền này tiếp tục chịu sức ép giảm giá.
Giá cổ phiếu châu Á cũng sụt giá mạnh khi giới đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn do nỗi lo ngày càng tăng rằng cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông có thể hủy hoại sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán châu Á càng mất giá hơn sau khi Tổng thống Mỹ Obama ra lệnh không kích Iraq. Chỉ số BSE Sensex, vốn đã giảm hơn 300 điểm từ đầu tháng Tám đến nay, lại giảm thêm 300 điểm trong phiên giao dịch ngày 8/8, do tình hình thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung yếu. Các thị trường chứng khoán châu Á, trong đó có Ấn Độ chịu sức ép bán ra mạnh mẽ, chủ yếu do những mối lo ngày càng tăng về tình hình Ukraine và Trung Đông.
Ông Phani Sekhar, Quản lý quỹ PMS tại sàn chứng khoán Angel Broking của Ấn Độ, nhận định rằng những mối quan ngại toàn cầu từng xuất hiện và thị trường Ấn Độ đã trụ vững, song vấn đề hiện nay là ở vùng Vịnh. Ngoài vấn đề cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza, lại nổi lên vấn đề Iraq, vấn đề Ukraine.
Báo chí Ấn Độ cũng liệt kê những vấn đề nổi bật, được cho là nguyên nhân tác động đến đồng rupee và thị trường chứng khoán nước này, gồm chính quyền Mỹ ra lệnh không kích Iraq; cuộc xung đột tại Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đang ốm yếu của châu Âu; lo ngại về khả năng Cục dự trữ trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất, khi các số liệu cho thấy thị trường việc làm tại nước này đang mạnh lên; những mối lo ngại về địa-chính trị ngày càng tăng có thể dẫn tới sự tăng giá dầu mỏ trên toàn cầu.
Giá dầu mỏ đã tăng tại châu Á sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh không kích chống lực lượng cực đoan dòng Sunni tại Iraq. Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thô lớn và nhu cầu đồng USD để nhập dầu mỏ có thể khiến đồng rupee xuống giá.
Tuy nhiên, Nomura Holdings - ngân hàng đầu tư và công ty môi giới lớn nhất của Nhật Bản, vừa đưa ra nhận định khả quan về kinh tế Ấn Độ. Nhà kinh tế Sonal Varma, Giám đốc chấp hành tại Nomura Holdings cho biết “chúng tôi lo ngại về kinh tế Ấn Độ trong 2-3 năm qua, nhưng nay kinh tế vĩ mô của nước này đang ổn định."
Theo bà Varma, tỷ lệ tăng trưởng thực tế của Ấn Độ trong năm 2014 chỉ đạt 4,7%, nhưng sẽ tăng lên 6,3% trong năm 2015, tiếp đó lên 7,1% năm 2016 và 7,7% năm 2017. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Ấn Độ hơn do với các thị trường đang nổi khác và sẽ thu hút những nguồn vốn lớn của nước ngoài.
(Nguồn: Bloomberg)
|