Có thể thấy điều này qua mức độ mở tài khoản của NĐT cá nhân. Đơn cử, trong 2 tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản mở mới tại Công ty Chứng khoán (CTCK) Sài Gòn thông qua ứng dụng công nghệ eKYC (mở trực tuyến) đã gấp gần 1,5 lần tổng số tài khoản mở mới 4 tháng cuối năm 2020. Riêng tháng 1/2021, số tài khoản mở mới thông qua eKYC gấp gần 5 lần tháng 9/2020, giai đoạn mới triển khai dịch vụ. Tháng 2 sau đó, số ngày giao dịch có ít hơn và gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng số tài khoản mở mới cũng đã đạt xấp xỉ tháng 1. Môi trường lãi suất thấp có thể tiếp tục thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển vào kênh chứng khoán, trong đó có dòng tiền từ kênh ngân hàng.
Một dòng tiền khác có vai trò quan trọng không kém trên thị trường là dòng tiền margin thông qua việc cung cấp dịch vụ cho vay margin của CTCK. Trong các nhịp rung lắc mạnh của thị trường, không ít luồng thông tin trên thị trường cho rằng bị ảnh hưởng phần lớn từ việc thu hồi nguồn, giảm margin của các CTCK (nhằm quản trị rủi ro) khi đã chạm ngưỡng.
Tại thời điểm 31/12/2020, thống kê cho thấy, dư nợ cho vay tại các CTCK đạt hơn 90.000 tỷ đồng, tăng thêm gần 25.000 tỷ đồng so với quý III/2020 và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam, trong đó, chiếm tỷ trọng trên 90% là cho vay margin (khoảng 81.000 tỷ đồng). Trước đó, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, vốn chủ sở hữu của các CTCK trên thị trường đang đạt 87.000 tỷ đồng và với quy định không được cho vay quá hai lần vốn chủ sở hữu, dư địa cho vay của thị trường vẫn còn.
Theo số liệu từ FiinPro, tỷ lệ dư nợ cho vay margin/giá trị giao dịch trung bình quý IV/2020 chỉ đạt khoảng 7,4 lần, thấp hơn so với thời điểm VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.204 điểm (đầu quý II/2018) là 12,2 lần và thấp hơn nhiều so với giai đoạn quý IV/2019 khi tỷ lệ dư nợ cho vay margin/giá trị giao dịch trung bình lên tới 22,5 lần. Các CTCK chia sẻ vẫn dư nguồn để cho vay và không có hiện tượng chạm ngưỡng để phải siết lại như nhiều NĐT lo ngại.
Lãi suất giảm giúp chứng khoán sôi độngNguồn tài trợ cho vay của các CTCK ngoài vốn chủ sở hữu phần còn lại đến chủ yếu từ nguồn vốn vay bao gồm vay các ngân hàng, phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn. Dữ liệu từ báo cáo tài chính các CTCK cho thấy, số vay nợ ngân hàng phát sinh trong năm 2020 của 21 CTCK lên đến 461.467 tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD), gấp bình quân 6 lần so với số dư vay nợ ngắn hạn cuối kỳ của các công ty.
Nguồn vốn thị trường dồi dào, có thể tiếp tục cho vay thêm từ các CTCK, trong khi đầu ra vốn của các ngân hàng ngược lại vẫn dồn ứ, cộng thêm dòng tiền gửi tiếp tục dịch chuyển sang. Mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục giảm cũng giúp chi phí vốn giảm mạnh. Do đó, thị trường vẫn kỳ vọng tăng trưởng, khi một dòng tiền không nhỏ vẫn đang chực chờ để nhảy vào.
Hoạt động mua bán chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán đầu tư tại nhiều ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh TTCK không ngừng tăng điểm. Báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2020 đã được nhiều ngân hàng công bố, cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng bao gồm các loại giấy tờ có giá, trong đó chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, và các công cụ phái sinh có rủi ro thấp đã tăng trưởng mạnh.
Trong quý IV/2020, thu nhập lãi thuần của Sacombank tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 3.013 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng thu lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, tăng đến 515% so với cùng kỳ, đạt 120 tỷ đồng (lũy kế cả năm 2020, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 25%, đạt 91 tỷ đồng). ACB cũng ghi nhận tăng trưởng lãi từ chứng khoán đầu tư tới 14 lần, từ 54 tỷ đồng năm 2019 lên 732 tỷ đồng năm 2020. Tại OCB, năm 2020, lãi từ chứng khoán đầu tư tăng 60% đạt 1.752 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những ngân hàng khác như PGBank, VietBank hay NCB cũng ghi nhận tăng trưởng lãi từ đầu tư chứng khoán. Trong đó, NCB tăng trưởng tới 5 lần, đạt 159 tỷ đồng, PGBank tăng 3 lần, VietBank tăng 2,7 lần…