Dòng tiền yếu ớt không "cứu" nổi VN-Index
Đóng cửa phiên hôm nay 27/6, VN-Index giảm 2,15 điểm, tương đương 0,17% về 1.259,09 điểm, với thanh khoản thấp chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường.
FPT, MWG là 2 cổ phiếu hoạt động tích cực nhất phiên khi đóng góp cho chỉ số chung 0,36 và 0,29 điểm. Ở chiều ngược lại, BID và TCB là 2 cổ phiếu tiêu cực nhất khiến chỉ số chung giảm lần lượt 0,54 và 0,47 điểm.
Ở nhóm vốn hóa lớn, giao dịch kém khởi sắc khi ngoài BID giảm 0,9%, TCB giảm 2,3%, thì PLX (-2,6%), POW (-3,6%), VRE (-1,9%), SSB (-1,7%), VIC (-0,5%).
Với các cổ phiếu họ Vin, VHM giao dịch đối lập với VIC và VRE, góp sức trong việc nâng đỡ thị trường khi tăng nhẹ 0,27%, trong khi VIC và VRE giảm lần lượt 0,49% và 1,92%.
Sắc đỏ chiếm ưu thế trong nhóm VN30 với 15 mã giảm giá, trong khi có 10 mã tăng và 5 mã giữ giá tham chiếu. Các mã tăng giá mạnh nhất trong nhóm này phải kể đến BVH (+2,8%), MWG (+1,3%), HDB (+1,1%), SAB (+1%).
Cổ phiếu ngành cảng biển đồng loạt điều chỉnh trong phiên hôm nay với SGP, VOS cùng giảm 3,4%, theo sau là HAH (-1,3%), GMD (-0,7%), CDN (-0,6%), …Chiều ngược lại, PHP và VGP vẫn giữ được nhịp tăng 1% khi đóng cửa.
Tương tự, áp lực bán cũng được ghi nhận ở nhóm thép với TVN, VGS, TLH, NKG giảm 1 – 3,3%, bộ đôi HSG, HPG lần lượt giảm 0,8% và 0,2% xuống 24.850 đồng/cp và 28.850 đồng/cp.
Khối ngoại hôm nay bán ròng với giá trị 1.176 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây là phiên thứ 15 liên tiếp khối ngoại "xả hàng" trên thị trường Việt Nam. Tại chiều mua, cổ phiếu MWG là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị 105 tỷ đồng. Theo sau, PC1 và KDH là hai mã tiếp theo được gom 52 và 42 tỷ đồng. Ngoài ra, DGC và HPG cũng được mua 28 và 27 tỷ đồng. Ngược lại, FUEVFVND chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với hơn 792 tỷ đồng, FPT và TCB cũng bị "xả" 101 tỷ đồng và 75 tỷ đồng.
Gần 600 triệu cổ phiếu HPG sắp về tài khoản nhà đầu tư
Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa thông báo ngày giao dịch chính thức của cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) phát hành mới là 28/6.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo, 19/6 là ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực của 581,5 triệu cổ phiếu HPG. Đây là lượng cổ phiếu Hòa Phát thực hiện phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng giá trị niêm yết của lượng cổ phiếu này tính theo mệnh giá đạt 5.815 tỷ đồng. Vốn điều lệ của nhà sản xuất thép lớn nhất nước tăng lên thành 63.963 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu HPG kết phiên 27/6 tại 28.850 đồng/cp, giảm gần 0,2% trong ngày và tăng 3,72% qua một quý. Đây là một trong những cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất thị trường, với khối lượng giao dịch bình quân phiên một quý gần 23 triệu cổ phiếu.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, công ty cho biết thời điểm lập danh sách có đến gần 166.000 cổ đông. Con số này giảm so với hơn 179.000 cổ đông của cuộc họp năm 2023.
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2024 dựa trên báo cáo kết quả tài chính kiểm toán năm 2023. Hòa Phát lần thứ 12 liên tiếp có mặt trong danh sách này. Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận. Quý 1/2024, Hòa Phát đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu và 2.869 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.