Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), tăng 0,1% lên 90,223 điểm, chứng kiến chuỗi tuần tăng dài nhất trong 5 tháng qua. Gạt bỏ tâm lý lo ngại từ thay đổi nhân sự cấp cao tại Nhà Trắng và nỗi lo về hàng rào thuế quan của Mỹ, giới đầu tư gia tăng kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp vào thứ Tư tuần tới.
Trong phiên đầu tuần, đồng bạc xanh nối tiếp đà giảm giá phiên cuối tuần trước do báo cáo việc làm được công bố làm giảm kỳ vọng FED sẽ tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới. Đà giảm của đồng USD hôm 12/3 diễn ra khi giới đầu tư đánh giá kĩ hơn báo cáo việc làm Mỹ, trong đó lương tăng chậm lại.
Sang phiên ngày 13/3, đồng USD vẫn mất giá so với các đồng tiền mạnh khác do chịu tác động từ các số liệu kinh tế Mỹ và việc Tổng thống Donald Trump cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Đồng USD quay đầu tăng nhẹ trong phiên ngày 14/3, sau 2 phiên giảm liên tiếp. Giới đầu tư theo dõi chặt chẽ những thay đổi nhân sự trong Nhà trắng. Trong ngày 13/3, Giám đốc CIA Mike Pompeo được công bố sẽ lên đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thay cho ông Rex Tillerson.
Đến ngày 15/3, đồng bạc xanh tăng giá so với nhiều đồng tiền mạnh khác trong bối cảnh có thêm chỉ dấu cho thấy nền kinh tế Mỹ duy trì tích cực và dòng tiền đổ vào các tài sản rủi ro bị thu hẹp. Số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tháng 3 giảm về 226.000 đơn trong tuần kết thúc 10/3, thấp hơn mức dự báo là 228.000 đơn. Ngoài ra, chỉ số đo lường ngành sản xuất do FED tiến hành điều tra tại New York tăng trong tháng 3.
Đồng USD leo dốc mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong phiên cuối tuần (16/3) nhờ các số liệu khả quan của kinh tế Mỹ làm vững thêm kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tuần tới.
Theo đó, chỉ số USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,1% lên 90,223 điểm. “Sự tăng giá của đồng USD là một phản ứng tích cực đối với dữ liệu kinh tế của Mỹ”, Omer Esiner, nhà phân tích thị trường của Commonwealth Foreign Exchange ở Washington nói. “Các báo cáo cho thấy rằng nền tảng cơ bản của đồng USD vẫn mạnh”.
Các báo cáo được công bố hôm thứ Sáu cho biết, sản xuất công nghiệp của Mỹ tăng mạnh vào tháng 2 nhờ sản lượng tăng mạnh tại các nhà máy và mỏ. Trong khi đó, khảo sát niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy sự gia tăng chỉ số tổng thể trong tháng 3.
James Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Forex.com ở Bedminster, New Jersey cho biết, việc FED tăng lãi suất vào thứ Tư tuần tới gần như là một kết luận không phải bàn cãi. Thay vào đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào triển vọng tăng lãi suất của FFD trong năm 2018 và xa hơn.
Tuy nhiên, so với đồng yen Nhật, đồng USD vẫn giảm xuống thấp nhất trong 1 tuần trong bối cảnh đồng nội tệ của Nhật tăng mạnh. Theo đó, tính chung trong tuần, đồng USD giảm 0,31% so với yen Nhật, rơi xuống còn 106,010 JPY/USD.
Đồng bạc xanh quay đầu phục hồi mạnh nhờ nhà đầu tư tập trung đặc biệt tới cuộc họp chính sách của FED vào tuần tới. Theo các chuyên gia, sự vững mạnh của thị trường lao động và triển vọng lạm phát tăng ổn định có thể thúc đẩy FED nâng lãi suất tại cuộc họp ngày 20-21/3. Cơ quan này dự kiến sẽ tiến hành 3 đợt nâng lãi suất trong năm nay, song các nhà kinh tế dự báo FED sẽ điều chỉnh nâng lên 4 đợt tại cuộc họp tới..
Trong khi đó, đồng euro khép lại tuần qua với mức giảm 0,12% xuống còn 1,2290 USD. Đồng tiền chung đã tăng khá mạnh thời gian qua nhờ kỳ vọng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm thu lại chính sách kích thích tiền tệ. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó đã đảo chiều sau khi ECB hồi tuần trước đã cảnh báo các nhà đầu tư là không nên mong đợi việc thu hẹp gói kích thích tiền tệ quá sớm.
Đồng bảng Anh tăng nhẹ 0,04% lên 1,3942 USD. Trong khi các đồng tiền hàng hóa đều giảm, như đôla Australia giảm 1,09% xuống còn 0,7713 USD và đôla Canada giảm xuống còn 1,3096 CAD/USD.