Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Đằng sau câu chuyện “đòi thêm 50 triệu USD”

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là người trong cuộc, Bộ GTVT hiểu rõ hơn ai hết những vướng mắc đang tồn tại ở Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Nhưng nhìn vào cách phản ứng của Bộ GTVT đối với những vấn đề tại dự án này trong thời gian qua, rất khó để hy vọng vào một cách giải quyết triệt để và trách nhiệm.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Việt Dũng
Đề nghị của Tổng thầu EPC chưa phù hợp?
Trong bản báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT của Chính phủ ngày 27/5 bất ngờ đề cập đến thông tin gây sốc: Tổng thầu Trung Quốc yêu cầu thêm 50 triệu USD để vận hành hệ thống và số tiền này phải thanh toán luôn. Gần như ngay lập tức, thông tin trên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trước tính chất nghiêm trọng của vấn đề, ngày 2/6, Bộ GTVT đã phải phát đi bản Thông cáo báo chí để “giải thích”, lãnh đạo Tổng thầu EPC cho biết đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ và kiến nghị chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án.
Nếu không thể ngồi vào đàm phán thì hãy làm việc thẳng thắn theo hợp đồng đã ký giữa hai bên. Bên nào sai thì bên đó chịu phạt. Bộ GTVT là chủ đầu tư của dự án này thì đương nhiên đúng sai thế nào Bộ GTVT là đơn vị rõ nhất. Còn cứ để dằng dai kéo dài, dự án chậm về đích bao nhiêu thì gánh nặng lãi vay ODA đè lên người dân sẽ càng nặng lên bấy nhiêu.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức
“Đây là giá trị đã hoàn thành mà Tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải chi phí phát sinh tăng thêm của Hợp đồng. Hiện nay, Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%” – Bộ GTVT khẳng định. Cùng với việc phủ nhận số tiền 50 triệu USD là “đòi thêm”, Bộ GTVT bày tỏ quan điểm việc Tổng thầu đề nghị thanh toán như trên chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các Phụ lục hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, không lâu sau, đại diện phía Tổng thầu EPC đã tiết lộ thông tin gây sốc khác. Cụ thể, ông Đường Hồng - Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Tổng thầu EPC khẳng định, việc chủ đầu tư có thanh toán cho họ 50 triệu USD hay không đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với câu chuyện “về đích” của Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Theo lý giải của ông Đường Hồng, Tổng thầu EPC cần 50 triệu USD để thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị thì họ mới cử chuyên gia sang Việt Nam. Bằng không, đương nhiên họ sẽ không “nhả người” và chỉ cần 1 trong số 11 nhà cung cấp thiết bị chuyên ngành không cử người sang sẽ không thể hoàn thành được công việc chạy thử, nghiệm thu dự án.
Không ngồi được với nhau, hãy phạt theo hợp đồng
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đây là điều đã tồn tại từ rất lâu tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, số thiết bị đã được lắp đặt đâu vào đấy ở tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông rồi nhưng lại không đủ hồ sơ, giấy tờ để nghiệm thu. Mà khi chưa được nghiệm thu, đương nhiên chủ đầu tư có quyền chưa thanh toán cho các nhà cung cấp thiết bị của dự án.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho rằng, với vấn đề đang mắc phải tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, cách duy nhất để tháo gỡ là Bộ GTVT và Tổng thầu EPC phải ngồi lại với nhau để cùng tìm ra phương án tháo gỡ. “Nếu hai bên cùng có thiện chí thì vấn đề hoàn toàn có thể tháo gỡ được nhưng chỉ cần một bên thiếu thiện chí, vấn đề sẽ trở nên phức tạp và khi đó đành phải căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng để giải quyết” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Theo phân tích của TS Đức, hiện, cả Bộ GTVT và Tổng thầu EPC đều khăng khăng cho rằng mình đúng và không có gì phải nhượng bộ. Có điều, nếu để ý kỹ, từ rất lâu rồi, bất cứ khi nào Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông nảy sinh vấn đề, nhất là chuyện “trễ hẹn về đích”, Bộ GTVT đều nhắc đi nhắc lại một cụm từ quen thuộc: Lỗi thuộc về Tổng thầu. Kết quả là vấn đề của dự án vẫn còn nguyên trong khi Tổng thầu chưa bao giờ bị phạt dù liên tục bị réo tên gắn liền với lỗi.
Trong trường hợp này, nếu Tổng thầu vẫn giữ nguyên quan điểm không nhận được 50 triệu USD, dự án sẽ không thể hoàn thành chạy thử và nghiệm thu thì mọi chuyện sẽ bị đẩy đi đến đâu? Bây giờ không phải lúc Bộ GTVT... cãi nhau với Tổng thầu rằng ai đúng ai sai mà chính là lúc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích của người dân phải đặt lên hàng đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần