“Siêu dự án” dần trở nên hiện hữu
Liên quan đến tiến độ triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, mới đây Bộ GTVT cho biết, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã có ý kiến về Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã yêu cầu nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, phát huy được lợi thế, tiềm năng của đất nước.
Về phía Bộ GTVT, cơ quan này khẳng định đã và đang chỉ đạo các đơn vị tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định; đồng thời, tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng lên kế hoạch mời một số chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm, phối hợp với tư vấn trong nước để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định để đảm bảo dự án có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, minh bạch.
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, Bộ GTVT hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư đ ự án trong năm 2025 theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nóng về “siêu dự án” đường sắt này. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT trước ngày 5/8, hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia theo đúng quy định.
Ban Chỉ đạo sẽ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban.
Như vậy, sau một thời gian dài tìm hướng đi, thậm chí có thời điểm tưởng chừng như phải bỏ dở thì đến nay, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để được hiện thực hóa khi quyết tâm chính trị xây dựng và hoàn thành dự án này được thể hiện từ các cấp cao nhất.
Thận trọng đi từng bước
Một trong những điều có thể khẳng định ngay từ lúc này là được quyết định đầu tư, với quy mô và tầm vóc của mình, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ tạo ra một sức hút đầu tư lớn chưa từng có từ trước đến nay. Tuy nhiên, cũng bởi quy mô và tầm vóc to lớn đó, mọi công đoạn triển khai dự án đều phải thực hiện hết sức thận trọng bởi hơn ai hết, Bộ GTVT và các đơn vị đang được giao thực hiện nhiệm vụ quan trọng này thừa hiểu, chỉ cần có một sai sót nào đó trong quá trình triển khai, hậu quả sẽ khó lường và cơ hội sửa sai cũng gần như không có.
Vì lí do đó, Bộ GTVT đang rất tích cực đi thực tế để học kinh nghiệm của một loạt quốc gia có đường sắt phát triển ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi. Đặc biệt, để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, minh bạch, Bộ GTVT dự kiến huy động một số chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm, phối hợp với tư vấn trong nước để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo Bộ GTVT, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có quy mô rất lớn, ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế - xã hội của đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp; là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Do đó, dự án cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật, mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.
Mặc dù tiến độ triển khai đang đi đúng hướng nhưng có một vấn đề tại dự án này vẫn đang để lại nhiều băn khoăn, đó chính là phương án lựa chọn tốc độ chạy tàu. Vấn đề này cũng đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước nhắc đến khi thực hiện đánh giá và khuyến nghị với Bộ GTVT để hoàn thiện Báo cáo tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Theo đó, Hội đồng khuyến nghị cần nghiên cứu kỹ hơn phương án đường sắt mới khai thác tàu khách và hàng với tốc độ tối đa 200km/h, bên cạnh phương án chỉ chạy tàu khách tốc độ hơn 300km/h được Bộ GTVT ưu tiên lựa chọn.
Các chuyên gia đã tiến hành phân tích và chỉ rõ, cả hai phương án tốc độ chạy tàu đều có những ưu, khuyết điểm của mình. Bởi vậy, cần nghiên cứu thật kỹ và lựa chọn ra phương án tối ưu nhất, đặc biệt là phù hợp nhất với điều kiện cụ thể ở nước ta.
Băn khoăn phương án đầu tư
TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, để lựa chọn ra phương án tối ưu nhất thì các n ộ, ngành và cơ quan liên quan cần có sự bàn bạc, nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Tuy nhiên, dù đó là phương án nào thì cũng cần phải đảm bảo dự án sau khi hoàn thành, tốc độ tàu chạy cũng phải tiệm cận, thậm chí là phải đạt được tốc độ cao nhất so với thế giới.
“Chi phí cho đường sắt phải đắt hơn gấp 3, gấp 4 lần so với đường bộ, việc đầu tư đường sắt phải nắm bắt công nghệ cao chứ không thể dùng công nghệ cà tàng được” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói và khẳng định, trong tương lai đường sắt cao tốc Bắc – Nam là mạch máu chính của nền kinh tế - xã hội, chứ không phải đường bộ cao tốc, do đó, với “siêu dự án” này, ngay từ thời điểm này chúng ta càng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, lựa chọn công nghệ hiện đại nhất để dự án sau khi hoàn thành đạt chất lượng cao nhất.
Trong khi đó, GS Lã Ngọc Khuê – nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT và là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt lại cho rằng, nếu chọn phương án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một tuyến đường sắt cao tốc sẽ là không khả thi cả về kinh tế và kỹ thuật. “Với phương án tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ vận hành 320km/h tức là tốc độ cao tốc, thì có thể thấy đây là phương án không khả thi cả về kinh tế, cả về kỹ thuật, chứa đựng nhiều rủi ro đối với Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam” – GS Lã Ngọc Khuê nhận định.
Theo GS Lã Ngọc Khuê, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam làm ra để vừa chở hàng vừa chở khách là một lựa chọn bắt buộc. Tuyến đường sắt này sẽ có dải tốc độ vận hành từ 160 - 200km/h. Với dải tốc độ này, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ là một tuyến đường sắt hiện đại, điện khí hoá. Đó loại hình đường sắt phổ biến và chủ đạo của thế giới hiện nay, điển hình như tuyến Moscow - Saint Petersburg của Liên Bang Nga mà nhiều người trong chúng ta đều biết.
“Điều quan trọng là loại hình đường sắt này có tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ vận hành không quá cao, chúng ta có thể chiếm lĩnh và làm chủ. Đây chính là tiền đề hết sức cơ bản để kéo giảm tổng mức đầu tư trong xây dựng và có chi phí vận doanh thấp, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong suốt vòng đời vận hành dự án” – GS Lã Ngọc Khuê khẳng định.