Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Thuế phải đảm bảo tầm nhìn dài hạn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 18/3, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 16 và cho ý kiến vào các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Giữ nguyên các mức thuế giá trị gia tăng

Đánh giá về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật còn nhiều nội dung chưa rõ, trong khi đây lại là một văn bản pháp luật có tác động sâu rộng đến toàn xã hội, nhưng lại để quá nhiều quy định do Chính phủ hướng dẫn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn: "Tôi thấy Dự thảo chỉ sửa 7 nội dung, nhưng đều là những điểm rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, nguồn thu ngân sách... Trong đó lại có 6/7 nội dung giao Chính phủ quy định là không ổn".

Dự án Luật Thuế phải đảm bảo tầm nhìn dài hạn - Ảnh 1
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp.Ảnh: TTXVN
 
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: Linh hồn của một luật thuế là thuế suất thì lần này vẫn giữ nguyên 3 mức; các ngưỡng thuế suất để tính thuế theo phương pháp khấu trừ hay trực tiếp cũng chưa nêu rõ. Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 cũng xác định mục tiêu "giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất". Tuy trong bối cảnh hiện nay, đồng ý là cần giữ nguyên 3 mức thuế suất 0%, 5% và 10%, nhưng cũng cần rà soát, thu hẹp diện hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% nhằm từng bước hướng tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật cần rà soát kỹ để đảm bảo tầm nhìn dài hạn cũng như giải quyết được hết những bức xúc đang tồn tại trong thực tế. 

Nên rõ lộ trình giảm thuế suất

Theo tờ trình Dự án Luật Thuế TNDN, mức thuế suất phổ thông sẽ giảm từ 25% (theo luật hiện hành) xuống còn 23%; đối với DN sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mức thuế suất này không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng, đồng thời không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi. Chính phủ đưa ra giả định, năm 2014 dự kiến thu ngân sách Nhà nước từ thuế TNDN khoảng 150.800 tỷ đồng, nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 23% dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 12.064 tỷ đồng, nếu áp dụng thuế suất 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa thì dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng. 

Theo Dự thảo Luật, mức thuế suất 32 - 50% chỉ áp dụng đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác. Đồng thời, bổ sung quy định thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật Nhà ở được áp dụng thuế suất 10%, không áp dụng miễn, giảm thuế. Bổ sung thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí vào diện được áp dụng thuế suất 10%. Để thu hút DN đầu tư vào KCN, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định DN thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc các tỉnh trực thuộc T.Ư) được miễn thuế TNDN trong 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp 4 năm tiếp theo...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất: Nếu giảm ngay được thuế suất xuống 20% sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu trường hợp Chính phủ chưa cân đối được thu chi nên nghiên cứu, quy định ngay trong Luật về lộ trình giảm thuế suất để DN yên tâm. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đặc biệt lưu ý đến các trường hợp miễn giảm thuế suất với DN đầu tư vào vùng nông thôn, khó khăn. Hiện, Chính phủ đã thực hiện việc giảm thuế với các DN  đầu tư vào vùng khó khăn, trung du, miền núi. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên quy định rõ trong luật là miễn hoàn toàn thuế với DN  đầu tư vào khu vực này, đồng thời, giảm thuế với DN đầu tư vào vùng nông thôn, có thể ở mức khoảng 15%. Dự kiến, Dự án luật sẽ được xem xét và thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2013.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cũng cho ý kiến vào dự án Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi). Sáng 18/3, UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.