Hệ lụy từ dự án chậm tiến độ
Thôn Yên Nhân (xã Tiền Phong) được xem là vựa rau màu của không chỉ xã Tiền Phong, mà còn của cả huyện Mê Linh. Tuy nhiên, một vài năm qua, sản xuất của bà con nông dân nơi đây gặp nhiều khó khăn bởi sự thiếu hụt về nguồn nước. Ông Trần Văn Mạnh - Chủ nhiệm HTX Rau an toàn thôn Yên Nhân cho biết, vào mùa khô, có khoảng 105ha canh tác rau màu của các hộ xã viên gặp khó khăn về nguồn nước. Không có nhiều nguồn kế sinh nhai, người dân phải chịu khó hơn, vận chuyển nước từ những vùng lân cận để tưới cho rau màu nhằm duy trì sản xuất. Được biết, toàn xã Tiền Phong hiện có 8 HTX nông nghiệp đang trông vào nguồn nước từ Đầm Và với tổng diện tích sản xuất khoảng 252ha. Nhưng đây chỉ là diện tích của riêng xã Tiền Phong. Theo thống kê của UBND huyện Mê Linh, Đầm Và là nơi trữ nước phục vụ tưới cho tổng cộng 1.100ha lúa, hoa màu thuộc 4 xã: Tiền Phong, Mê Linh, Văn Khê, Tráng Việt. Tình trạng thiếu nước sản xuất xảy ra trầm trọng hơn vào mỗi vụ Đông Xuân.
Bên cạnh ảnh hưởng tới nguồn nước cấp phục vụ tưới tiêu, việc Dự án triển khai dang dở còn khiến nhiều diện tích cây trồng lâm vào tình trạng ngập úng khi có mưa lớn. Ông Trần Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, đợt mưa lớn kéo dài từ tháng 5 cho tới giữa tháng 8 vừa qua đã khiến không ít diện tích rau màu của bà con bị ngập do việc tiêu thoát nước khó khăn. UBND huyện Mê Linh đánh giá, Đầm Và có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo tiêu úng vào mùa mưa lũ cho diện tích lưu vực lên tới 3.759ha thuộc xã Tiền Phong và các địa phương lân cận.
Phấn đấu hoàn thành trong năm 2017
Theo tìm hiểu, Dự án Nạo vét kênh Đầm Và được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 5088/QĐ-UBND ngày 31/10/2011. Dự án có tổng mức đầu tư 86,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Bên cạnh ý nghĩa về sản xuất nông nghiệp, Dự án còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư. Ấy vậy nhưng không chỉ chưa được hưởng lợi nhiều từ Dự án, người dân xã Tiền Phong cũng như các địa phương lân cận lại đang phải chịu không ít phiền toái liên quan tới việc Dự án chậm tiến độ.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Quản lý dự án hạ tầng đất dịch vụ huyện Mê Linh - đơn vị chủ đầu tư Dự án cho biết, dù được phê duyệt từ cuối năm 2011, nhưng phải mãi tới đầu năm 2013, Dự án mới được cấp vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn được cấp không nhiều. Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2015, đơn vị mới được bố trí khoảng 27 tỷ đồng (bằng khoảng 31% kế hoạch vốn) để triển khai. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, dù Dự án không vướng công tác GPMB, tuy nhiên vẫn mất khá nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con nhận hỗ trợ cây trồng canh tác trên mặt đầm. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ Dự án thêm phần chậm chạp.
Trước tình trạng Dự án Nạo vét kênh Đầm Và bị chậm tiến độ, huyện Mê Linh đã có báo cáo kiến nghị và được UBND TP phê duyệt quyết định điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án tới năm 2017. Năm 2016, chủ đầu tư cũng được TP bố trí tiếp 13 tỷ đồng để triển khai thi công các hạng mục. Hiện, địa phương đang đôn đốc các nhà thầu tích cực triển khai xây dựng, bảo đảm hoàn thành Dự án trong năm 2017.