Người dân mang theo ảnh Chỉ huy Lực lượng Quds Qassem Soleimani và Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei trong lễ diễu hành tưởng niệm Tướng Soleimani hôm 3/1. |
Cuộc không kích vào sân bay Baghdad tại Iraq theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kéo theo hàng loạt cảnh báo trả đũa từ giới lãnh đạo và người dân quốc gia Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Hơn cả khả năng xung đột vũ trang Mỹ - Iran, giới phân tích tỏ ra chắc chắn về loạt biến động với nền kinh tế và thương mại toàn cầu, chủ yếu phụ thuộc vào động thái của Tehran sau cái chết của người đứng đầu Lực lượng Quds.
Vàng sẽ vẫn là vua
Các chuyên gia và công ty tư vấn đều nhất trí, các vụ tấn công trả đũa qua lại giữa Mỹ - Iran đang làm mất ổn định khu vực, đẩy cổ phiếu xuống thấp hơn trong tháng và đẩy vốn của nhà đầu tư về tài sản trú ẩn an toàn cho đến khi nỗi lo lắng xuống.
"Vàng sẽ vẫn là giao dịch trú ẩn an toàn được yêu thích nhất", Edward Moya, một nhà phân tích thị trường cấp cao nói với Business Insider.
Các biện pháp an toàn khác, như đồng USD hay Yên Nhật, cũng có thể cung cấp nơi trú ẩn tương tự khỏi sự biến động gia tăng, nhưng "vàng sẽ vẫn là vua", ông Moya nhận định, đồng thời dự báo giá kim loại quý này thậm chí sẽ tăng vọt lên 1.600 USD vào cuối tháng 1 này.
GDP toàn cầu sụt giảm
Capital Economics đánh giá, một cuộc chiến toàn diện giữa Mỹ - Iran, kéo nhiều quốc gia khác vào cuộc, sẽ gây tổn hại trực tiếp đến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Trước mắt, một cuộc xung đột quy mô lớn và sự sụp đổ của nền kinh tế Iran có thể đánh bay 0,3% GDP toàn cầu. Ước tính này tương tự dự báo tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia phân tích Jason Tuvey cho rằng, những ảnh hưởng đối với các quốc gia Trung Đông khác phụ thuộc vào việc họ có bị cuốn vào cuộc xung đột trực tiếp hay không, khi Iran có thể trả đũa Mỹ bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz, đẩy giá dầu tăng cao trên toàn thế giới.
"Các quốc gia phát triển có thể sẽ vượt qua cơn bão, nhưng các thị trường mới nổi có thể phải tăng lãi suất để ngăn chặn những mối đe dọa lạm phát", ông Tuvey nói.
Cơ sở hạ tầng dầu mỏ vào tầm ngắm
Lãnh đạo Iran đã thông báo xem xét đáp trả cuộc tấn công của Mỹ, nhưng theo Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của Kinh tế học vĩ mô Pantheon, một cuộc xung đột toàn diện là không thể.
Các lệnh trừng phạt đối với Iran của Mỹ đã làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia Trung Đông, buộc các quan chức Tehran tránh xa mọi hành động đẩy 2 quốc gia vào chiến tranh hơn ai hết.
Thay vào đó, "Iran có thể nhắm mục tiêu là các cơ sở hạ tầng dầu mỏ để trả đũa Mỹ", ông Shepherdson nói, bên cạnh nhận định rằng Tehran có thể sử dụng các vụ bắt cóc, ám sát hay một số hành động quy mô nhỏ hơn khác để leo thang căng thẳng. Lo ngại chung rằng sẽ đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa.
Thực tế, nguy cơ này cũng đã khiến một số quốc gia, chẳng hạn Anh, đã nhanh chóng cắt cử tàu hải quân bảo vệ các tàu thương mại của mình tại vùng Vịnh. Nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm Đức và Mỹ, đã bật cảnh báo khủng bố đối với an ninh nội địa.