Chứng khoán ngày 10/6 tiếp tục giao dịch trái chiều khi xu hướng chuyển dịch của dòng tiền từ những cổ phiếu hưởng lợi trong quá trình mở cửa nền kinh tế sang các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn.
Dự báo tiêu cực về kinh tế Mỹ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến giới đầu tư quan ngại, đẩy Dow Jones và S&P 500 có phiên giảm thứ 2 liên tiếp, trong khi Nasdaq lại ngược dòng tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc hôm 10/6, FED quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0 - 0,25%/năm và cho biết giữ nguyên mức lãi suất này cho tới 2022, không giảm như kỳ vọng của giới phân tích.
FED cũng dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ suy giảm 6,5% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 9,3%, và tuyên bố đại dịch Covid-19 sẽ tác động nặng nề tới triển vọng tăng trưởng, lạm phát và việc làm của Mỹ trong thời gian tới.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/6, chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0,5% xuống còn 3.190,17 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 282,31 điểm, tương ứng khoảng 1%, xuống còn 26. 989,99 điểm. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của cả hai chỉ số này.
Ngược lại, chỉ số Nasdaq Composite lại bật tăng 0,7% lên 10.020,25 điểm. Đây là phiên thứ hai liên tiếp Nasdaq diễn biến ngược dòng với S&P 500 và Dow Jones, cũng là phiên đầu tiên trong lịch sử chỉ số này đóng cửa trên ngưỡng 10.000 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ khổng lồ đồng loạt tăng điểm. Amazon và Apple đều nhích hơn 1,7% và cùng thiết lập đỉnh lịch sử. Alphabet và Netflix tăng lần lượt 0,9% và 0,1%.
Những cổ phiếu hưởng lợi từ quá trình tái khởi động nền kinh tế và tăng vượt trội trong những tuần gần đây đều đi xuống trong phiên 10/6. Cổ phiếu hàng không American Airlines, United Airlines và JetBlue cùng lao dốc hơn 8%. Cổ phiếu của "ông lớn" ngân hàng Wells Fargo giảm gần 9% trong khi Citigroup sụt 6,1%, JPMorgan Chase hạ 4,1%.
Chuyên gia Adam Crisafulli tại công ty nghiên cứu Vital Knowledge nhận xét "Đang có sự chuyển dịch lớn trên thị trường Phố Wall, đây là ngày thứ hai liên tiếp giới đầu tư rút tiền khỏi các cổ phiếu giá trị/thuận chu kỳ để tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng".
Phiên giao dịch trái chiều của chứng khoán Mỹ diễn ra khi bang Texas liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới dịch Covid-19 tăng kỷ lục. Số ca nhập viện tại bang Arizona cũng đang gia tăng mạn.
Mặc dù đi xuống trong hai phiên 9 - 10/6, chỉ số S&P 500 và Dow Jones hiện vẫn cao hơn 45% so với đáy ngày 23/3.
Ông Jim Paulsen - Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu Leuthold Group cho rằng sau đợt tăng nóng trong những tuần gần đây, thị trường chứng khoán đã đến thời điểm điều chỉnh. "Đà tăng đã cạn và các dấu hiệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần lạc quan thái quá. Phe chốt lời đang thắng thế" - chuyên gia Paulsen cho hay.
Trong thông cáo sau cuộc họp hôm 10/6, FED tái khẳng định cam kết "duy trì khoảng lãi suất mục tiêu thấp cho tới khi chắc chắn rằng nền kinh tế đã vượt qua các cú sốc gần đây và đang trên đường đạt được mục tiêu toàn dụng việc làm và ổn định giá cả".
Mặc dù dự báo nền kinh tế Mỹ suy giảm trong năm 2020, FED cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hồi phục 5% vào năm 2021 và 3,5% trong năm 2022.
Ông Gregory Faranello - chuyên gia tại công ty chứng khoán AmeriVet Securities nhận định: "FED sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, FED coi nền kinh tế Mỹ như là một nạn nhân của đại dịch Covid-19".
Chủ tịch FED Jerome Powell cũng khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ tới việc nâng lãi suất. Chúng tôi chỉ đang nghĩ về việc hỗ trợ nền kinh tế và quá trình hỗ trợ này sẽ mất thời gian".