Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đủ chiêu làm giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - V - League chưa hạ màn nhưng thị trường chuyển nhượng cho mùa giải mới đã chính thức được kích hoạt. Đi cùng với đó là biết bao chiêu thức có cũ, có mới đánh bóng mặt hàng hòng có được một bản hợp đồng ưng ý.

Đá bại Hà Nội T&T để được đến… Bình Dương

Sau hai trận không thể thắng SLNA và cuối cùng đánh mất chức vô địch, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội phải cay đắng thốt lên: "Chúng tôi không đủ sức để chạy đua với đối thủ. Họ đã thưởng tiền để SLNA gồng mình lên đá với chúng tôi".

Thông tin ông Hội đưa ra khiến nhiều người sốc. Và tất nhiên, đại diện của Bình Dương đã nhanh chóng phủ nhận việc treo thưởng cho đối thủ của Hà Nội T&T nhằm mua lấy sự nhiệt tình trong thi đấu. Rằng, Bình Dương vô địch là do sức mạnh tự thân chứ không trông mong vào sự giúp sức của SLNA hay bất cứ đội bóng nào khác.

Hà Nội T&T tố mình bị chơi xấu, Bình Dương phủ nhận, nhưng có một thực tế mà không ai có thể phủ nhận, trong đội hình của Bình Dương có khá nhiều cầu thủ gốc Nghệ An. Quan trọng hơn, nhiều cầu thủ khác đang khoác áo SLNA công khai bày tỏ mong muốn được đến khoác áo Bình Dương sau mùa giải này. Họ muốn thi đấu cho một đội bóng có nhiều tham vọng. Quan trọng hơn, họ muốn Bình Dương thành công để hào phóng hơn trên thị trường chuyển nhượng.

Giương Đông kích Tây

Thời gian gần đây, có rất nhiều thông tin trái chiều liên quan đến cầu thủ số 1 của bóng đá Việt Nam Lê Công Vinh. Ban đầu, có tin, anh sắp ký hợp đồng với Bình Dương bởi đây là đội bóng có đủ khả năng để đưa Công Vinh chinh phục thật nhiều danh hiệu trong sự nghiệp. Hơn thế nữa, Bình Dương rất gần với TP Hồ Chí Minh, nơi có cô vợ xinh đẹp của Công Vinh đang sinh sống. Thế nhưng, xác minh thông tin từ Bình Dương thì được biết, đội bóng này chưa có kế hoạch chiêu mộ Công Vinh, thậm chí, hai bên còn chưa có bất cứ buổi tiếp xúc nào với nhau.

Đang lình xình chuyện Công Vinh ở Bình Dương thì phía SLNA nhận được thông tin, muốn gia hạn với anh, họ phải bỏ ra 6 tỷ đồng cho một bản hợp đồng 3 năm. Càng sốc hơn, khi Công Vinh "vô tình" tiết lộ một đội bóng ở Nhật sẵn sàng trả anh mức lương 200 triệu đồng cùng khoản lót tay lên đến 4 tỷ đồng một năm. Bản thân Công Vinh cũng công khai bày tỏ mong muốn được đến Nhật thi đấu bởi đó là môi trường tốt cho sự nghiệp của anh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự nhiễu loạn thông tin liên quan đến Công Vinh là kết quả của một kế hoạch được chuẩn bị từ trước. Tất cả chỉ nhằm một mục đích, đó là nâng cao giá trị của chân sút này với các đội bóng vốn rất thiếu thông tin và thích chạy theo những thương hiệu lấp lánh. Thế nên, sẽ chẳng ngạc nhiên, khi kết thúc những đòn bẩy về truyền thông, Công Vinh bỗng chốc tuyên bố: "Tôi muốn chọn một đội bóng tại Việt Nam để gần nhà, tiện chăm sóc vợ con".

Tất nhiên, trong muôn trùng những chiêu thức kích giá ấy, để có được chiến thắng toàn diện thì một mình cầu thủ thôi sẽ không thể thực hiện được. Ngoài cầu thủ, các nhà môi giới thì chính những "người bị lợi dụng" cũng có được lợi ích từ việc sốt sắng ký hợp đồng giá cao.